Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7km về phía Nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). Hòn đảo hoang sơ này không chỉ mang vẻ đẹp của chốn “bồng lai tiên cảnh” mà còn sản sinh nhiều loài quả rừng, đặc biệt là trái sim thơm ngon, ngọt lịm…
Vượt biển “ăn sim”
Thời điểm này, đang giữa mùa sim rừng chín rộ trên đảo. Cứ khoảng 5 giờ sáng, hàng chục người dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) bắt đầu í ới gọi nhau “vượt biển” lên đảo để “ăn sim”, kiếm thêm thu nhập.
Chị Ngô Thị Hoài (43 tuổi, ở thôn 19-5) cho biết, công việc này đã gắn bó với chị từ những năm trước, đến mùa sim chín hầu như ngày nào chị cũng có mặt trên đảo Yến.
“Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng, mang theo dụng cụ để đựng sim và đồ ăn cho bữa trưa, rồi đi thuyền ra đảo để “ăn sim”. Thường từ 3-5 chị em rủ nhau cùng đi chung 1 chiếc thuyền ra đảo. Lúc thì chồng người này chở, lúc thì người nhà người khác chở, đến chiều tối lại đón về”, chị Hoài nói.
Theo chị Hoài, người dân xã Quảng Đông vốn theo nghề biển. Khi người đàn ông đi biển đánh bắt, người phụ nữ ở nhà cũng không chịu “ngồi yên”, họ đã tìm đủ mọi nghề để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập. Mùa nào thức ấy, lúc thì ra bãi đá ngầm bên vịnh Hòn La để “mổ hàu”, lúc thì “canh sóng” trên những ghềnh đá để hái rong biển.
Người dân Quảng Đông đi “ăn sim” trên đảo Yến.
Riêng với nghề “ăn sim” trên đảo thì mới xuất hiện từ những năm gần đây. Trước đây, người dân xã Quảng Đông vẫn biết trên đảo Yến có rất nhiều trái sim rừng nhưng họ không để ý lắm. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nhiều người lùng mua trái sim rừng để ngâm, ủ rượu và nó bắt đầu có giá trị. Vì thế, đảo Yến vốn hoang sơ, nay đã trở nên nhộn nhịp vào mùa sim chín bởi những chiếc thuyền chở người “vượt biển” ra đảo ăn sim.
Mùa thu “quả ngọt”
Chị Lê Thị Sáu (40 tuổi, thôn Thọ Sơn) đã có kinh nghiệm đi “ăn sim” trên đảo Yến từ 5 năm qua. Chị Sáu cho biết, khác với các địa phương khác, người đi “ăn sim” chỉ đi khoảng 1 buổi rồi về. Còn những người đi hái sim trên đảo Yến như chị phải đi cả ngày để tận dụng thời gian vì phải “vượt biển” vất vả.
“Trên đảo nắng gắt, không có nước ngọt, nên ngoài đồ nghề mang theo, nhất định phải có 1 chai nước thật lớn. Khi đói bụng có thể ăn lương khô, trái rừng để cầm cự, nhưng thiếu nước uống thì đành phải quay về sớm thôi”, chị Sáu chia sẻ.
Theo chị Sáu, nghề “ăn sim” nghe qua thì đơn giản, vì sim có sẵn, mọc đầy khắp trên đảo. Tuy nhiên, để thu được loại “trái ngọt” này họ phải đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.
"Trên đảo Yến có rất nhiều rắn và đặc biệt là ong vò vẽ. Loài ong này thường làm tổ dưới gốc sim, nhiều người không để ý dẫm vào tổ thì chúng sẽ đuổi cắn. Ngoài ra, trên đảo có nhiều ghềnh đá sắc nhọn, trơn trượt, nếu không cẩn thận, cũng có thể trả giá đắt”, chị Sáu cho hay.
Cũng theo lời chị Sáu, sim trên đảo Yến không biết có phải do chịu nhiều nắng mưa, sương muối, sống được dưới thời tiết khắc nghiệt nên trái sim lúc nào cũng mọng nước, thơm, ngọt đậm đà hơn so với sim mọc trên đất liền. Thế nên, trái sim được hái từ đảo Yến cũng được nhiều người ưu tiên mua trước.
Theo đó, mỗi ngày chị Sáu cũng như nhiều người dân khác có thể thu hoạch được hơn 10kg sim chín. Hiện sim rừng đang có giá 35 nghìn đồng/1kg, nên ước tính trung bình 1 ngày chăm chỉ hái sim, mỗi người cũng thu được từ 400-500 nghìn đồng. Trong khi đó mùa sim chín trên đảo Yến thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 8 âm lịch, đã mang về một nguồn thu không nhỏ với người dân nơi đây.
Đặc biệt, trên đảo Yến, ngoài sim rừng còn có nhiều loài cây rừng cho quả ngọt, như: Muồng, mốc, dâu…Trùng với mùa sim chín, trên đảo Yến còn có 1 loại trái ngon, có giá trị kinh tế cao, mặc dùng không nhiều như sim, đó là quả nho rừng.
Thứ quả này có vị ngọt thanh, hơi chát, nhiều người lùng mua để ngâm rượu vì nó lên màu rất đẹp, uống có vị rất thơm. Quả nho rừng hiện được thu mua với giá từ 100 nghìn đồng/1kg.
“Một ngày chăm chỉ chúng tôi hái được hơn 10kg sim, nhưng nếu may mắn như hôm nay, gặp được bụi nho rừng chín rộ là có thể tăng thêm nguồn thu, có khi kiếm được tiền triệu”, chị Sáu chia sẻ thêm và vui vẻ cho chúng tôi xem mớ nho rừng vừa hái được…
"Trên vùng biển xã Quảng Đông có nhiều danh thắng bởi nơi đây núi vươn ra biển, tạo nên những vịnh, mũi, những bãi biển đẹp. Đó là vịnh Hòn La, mũi Vích, mũi Độc, bãi biển Vũng Chùa-Đảo Yến…
Ngoài vẻ đẹp “bồng lai tiên cảnh” những nơi này được ví như một thứ “lộc trời”, mùa nào thức ấy, là chốn mưu sinh của bao thế hệ người dân nơi đây…Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, động viên người dân phải biết bảo vệ, khai thác đúng cách để bảo tồn, nuôi dưỡng những nguồn “tài nguyên” quý giá này cho cả thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết.
|
Phan Phương