Du lịch trên dấu tích hoàng cung xưa

Cập nhật: 25/08/2022
Hoa Lư, Thăng Long, Huế, cả ba kinh đô xưa mang những giá trị nhiều mặt, là nguồn hấp dẫn du khách hôm nay. Những di sản này cần được khai thác phát huy mạnh mẽ cho ngành du lịch.

Một tiết mục trình diễn ở Festival Huế.

Nguồn hấp dẫn làm nên những điểm nhấn

Cả ba kinh đô xưa đều đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Mỗi di sản có những giá trị đặc sắc riêng có thể phát huy để trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch quốc gia và vươn xa hơn nữa.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn, một giai đoạn là kinh đô của Quang Trung - Nguyễn Huệ, rồi là kinh đô của 13 triều vua Nguyễn. Dù trải qua thời gian và bao cơn binh lửa, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, với hàng trăm công trình kiến trúc phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế… có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, nghệ thuật.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm khu khai quật cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích thời phong kiến hiện tồn như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, cột cờ Hà Nội trong khu thành cổ Hà Nội. Câu chuyện lịch sử còn được kể tiếp bởi các di tích cách mạng thời hiện đại như “nhà con rồng”, nhà - hầm D 67, hầm Cục tác chiến… có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện quan trọng, nhiều nhân vật quan trọng lịch sử hiện đại của dân tộc. Nhiều tầng văn hóa của di sản phản ánh lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cho đến thời đại Hồ Chí Minh.

Khu di tích cố đô Hoa Lư là một trong ba khu vực gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, tạo nên vùng di sản (vùng lõi) của Quần thể danh thắng Tràng An. Hoa Lư là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt (968-1010). Đây là kinh đô đầu tiên của chế độ phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam. Khu di tích cố đô Hoa Lư không chỉ có giá trị lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị về mặt danh thắng với những cảnh đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình. Dấu tích nổi bật thu hút du khách đến đây là hai ngôi đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và thờ Vua Lê Đại Hành, với kiến trúc và hiện vật đặc sắc niên đại thế kỷ 17. Riêng về đền vua Đinh, GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã đánh giá: “Giá trị nổi trội của kiến trúc đền vua Đinh là sự tổng hài hòa giữa bố cục không gian và hình khối công trình, là hệ tỷ lệ xích tinh tế giữa quy mô và kiến tạo, là tính tự nhiên mang bản chất hàm số giữa vật liệu gỗ và những gì tạo tác ra từ nó. Đền vua Đinh là một thí dụ hiếm hoi về kiến trúc phong cảnh cổ truyền”.

Lễ Khai xuân ở Hoàng thành Thăng Long.

Còn cần nhiều gắn kết để lan tỏa giá trị

Huế đang đi được gần một nửa chặng đường thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2030” với quan điểm: Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững, bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.

Hà Nội đã có nhiều khởi sắc trong việc quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long trong nhiều sản phẩm du lịch. Ninh Bình cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc thu hút khách đến cố đô Hoa Lư cùng với đến Tràng An. Trong những nỗ lực đó đã có nhiều sự gắn kết hiện vật, di tích vật chất với những di sản tinh thần, giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể để du khách có thêm nhiều tri thức và còn cảm nhận được nhiều hơn khi đi tham quan các kinh đô xưa.

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức biểu diễn các làn điệu của Di sản văn hóa phi vật thể thế giới Nhã nhạc cung đình Huế trên sân đại triều của điện Thái Hòa, sân Thế tổ Miếu hay trong nhà hát Duyệt Thị Đường để du khách thưởng lãm. Nhiều lễ cung đình triều Nguyễn được tổ chức phục dựng: Lễ tế Xã tắc, lễ tế Nam giao, lễ Truyền lô… Trong các dịp Festival, chất liệu của các di sản văn hóa phi vật thể được sử dụng trong nhiều phần trình diễn, vở diễn hấp dẫn du khách.

Tại Hà Nội, ứng dụng hướng dẫn khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tại di sản Hoàng thành Thăng Long trên smartphone đến nay đã có 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Nhật, Trung, Pháp). Ở đây còn tổ chức những hoạt động phục dựng các lễ/hội văn hóa. Nhiều trình diễn, triển lãm và các hoạt động văn hóa khác cũng được phối hợp tổ chức. “Sau Covid”, chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết: “Trung tâm phát triển tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và đến nay đã “hút” được rất nhiều khách. Theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, sắp tới tour này sẽ phát triển thêm nhiều phiên bản cho các đối tượng khách khác nhau”.

Hoa Lư có trữ lượng di sản văn hóa khảo cổ học phong phú. Tuy nhiên các tiềm năng này chưa được bảo tồn, phát huy tương xứng với giá trị và sức ảnh hưởng lan tỏa của di sản trong đời sống đương đại. Văn hóa dân gian vùng cố đô Hoa Lư đa dạng và phong phú, tuy nhiên việc khai thác những giá trị đó còn đang chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Các nhà khoa học đề xuất: Cần coi cố đô Hoa Lư là khu di tích “mở” và quy hoạch thành Công viên văn hóa - lịch sử nhằm bảo tồn trọn vẹn các di tích trên mặt đất, các di chỉ khảo cổ học trong vùng lõi của cố đô bên cạnh việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của khu di tích.

Trưng bày khảo cổ học áp dụng công nghệ trình chiếu mới ở cố đô Hoa Lư.

Các di tích kiến trúc ở Huế còn hiện diện và dấu tích nền móng nên đặt ra vấn đề trùng tu, tôn tạo những công trình đang còn hiện hữu và phục dựng trên thực địa những công trình đã mất. Công việc này đang được Huế tiến hành khá bài bản nhưng còn cần mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa. Ở Hoàng thành Thăng Long và cố đô Hoa Lư, hầu hết dữ liệu vật chất của hai di sản đều nằm dưới lòng đất. Việc duy trì bảo tồn các hố khai quật đòi hỏi áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến để bảo quản nguyên vẹn hiện trường, các hiện vật. Với các hiện vật, hiện trường khảo cổ học là những vật vô tri, không mang vẻ ngoài hấp dẫn nên càng cần có những cách dẫn giải thuyết minh dễ hiểu, sinh động và lôi cuốn để hấp dẫn du khách. Trong tương lai gần, cần bổ sung giới thiệu những hình ảnh 3D phục dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu hoặc những hình ảnh giả thiết về quy hoạch, kiến trúc hoàng cung bằng các kỹ thuật - công nghệ tiên tiến.

Kết nối ba điểm nhấn là ba kinh đô xưa, công chúng, du khách có thể thấy quá trình diễn tiến hơn một thiên niên kỷ lịch sử Việt Nam một cách sinh động. Nhìn ở mỗi điểm kinh đô di sản thế giới đều thấy những nỗ lực phát huy giá trị tài nguyên văn hóa để di sản được bảo tồn tốt hơn và đồng thời trở thành “nguồn thu” của du lịch. Đã có nhiều nhưng vẫn cần nhiều hơn những cố gắng phát huy tài nguyên văn hóa của các kinh đô để du lịch hấp dẫn hơn trên những dấu tích hoàng cung xưa.

Bài và ảnh: Thiên Phương

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 23/08/2022