Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng 57% các loài bị đe dọa cần có các hành động phục hồi mang tính mục tiêu bảo đảm sự tồn tại của những loài này.
Chính phủ các quốc gia hiện đang đàm phán về Khung đa dạng sinh học toàn cầu, gồm nhiều mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2022. Các nhà bảo tồn đang nghiên cứu những đề xuất để có thể góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật có xương sống, không xương sống và thực vật. Họ phát hiện ra rằng việc mở rộng các khu bảo tồn hoặc giảm thiểu ô nhiễm đã mang lại lợi ích cho nhiều loài, nhưng có tới 57% số loài vẫn cần phải có các mục tiêu phục hồi một cách cụ thể. Những hành động này bao gồm nhân nuôi sinh sản trong vườn thú, tái thả vào tự nhiên, chuyển vị các cá thể giữa các khu vực khác nhau, tiêm vắc xin phòng bệnh và các biện pháp can thiệp khác dành riêng cho từng loài.
Nghiên cứu do Đại học Newcastle chủ trì, công bố trên Tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment. Dự án này quy tụ các chuyên gia sinh thái và bảo tồn hàng đầu trong đó có các nhà khoa học đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức BirdLife International và mạng lưới các trường đại học trên toàn cầu.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Philip McGowan (Đại học Newcastle, Anh), cho biết: “57% các loài đang bị đe dọa trên thế giới sẽ vẫn có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các hành động phục hồi cụ thể. Các chính sách đã được thiết kế để giảm thiểu các mối nguy hại từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất và biển, nạn khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, sự xâm lấn của các loài ngoại lai và biến đổi khí hậu, tuy nhiên chỉ riêng những hành động này sẽ không thể ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng mà các loài hiện nay phải đối mặt. Giờ đây, chúng ta cần xác định được những loài nào cần sự quan tâm đặc biệt, giám sát các hoạt động đang được thực hiện và tác động đối với những loài đang bị đe dọa đó “.
Ảnh: CC0 Public Domain
Ứng phó với nguy cơ tuyệt chủng
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên 7.784 loài được liệt kê trong danh mục các loài: “Sắp nguy cấp”, “Nguy cấp” và “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ của IUCN. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét các mục tiêu trong dự thảo đầu tiên của Khuôn khổ Đa dạng sinh học Toàn cầu của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học.
Từ đó, các nhà khoa học đánh giá lợi ích tiềm năng đối với từng loài bị đe dọa khi thực hiện từng mục tiêu đó. Và họ nhận ra rằng Mục tiêu 1 (quy hoạch không gian để giữ lại các hệ sinh thái nguyên vẹn hiện có), Mục tiêu 2 (khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái và đảm bảo sự kết nối giữa chúng) và Mục tiêu 3 (bảo vệ các khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học) là đặc biệt quan trọng, bởi 95% các loài đang bị đe dọa sẽ được hưởng lợi từ việc thực hiện các mục tiêu này.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy rằng những hành động trên và cả với mục tiêu 5 – 8 (giảm áp lực từ việc sử dụng không bền vững, các loài xâm lấn, ô nhiễm và biến đổi khí hậu) sẽ vẫn khiến ít nhất 57% các loài bị đe dọa (4.428 loài) có nguy cơ tuyệt chủng. Chẳng hạn như để bảo vệ loài Cà kheo đen – loài chim nước đặc hữu của New Zealand – ngoài việc phải kiểm soát các loài động vật ăn thịt và quản lý môi trường còn cần có hoạt động nhân nuôi và ngăn chặn việc lai giống với Cà kheo cánh đen (thân trắng) để tránh ô nhiễm nguồn gen và đầm đầy di truyền.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Stuart Butchart, chuyên gia của Tổ chức BirdLife International lưu ý rằng: “Nghiên cứu này cho thấy chúng ta không thể ngăn các loài tuyệt chủng chỉ bằng cách bảo vệ các khu vực cụ thể và giải quyết các mối đe dọa chính: một số loài vẫn cần có những nỗ lực tận tâm hơn mới có thể giúp chúng phục hồi . Do đó, điều quan trọng là các chính phủ phải thông qua các mục tiêu cụ thể, giám sát các hoạt động bảo tồn các loài và cam kết thực hiện các hành động cần thiết một cách rõ ràng.”
Huyền Trang (Theo Phys.org)