Nhờ trồng hàng chục nghìn ha rừng nguyên liệu (keo, tre, mét) gắn với công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, bà con các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Cũng nhờ làm tốt công tác trồng rừng gắn với chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng ở Con Cuông đạt gần 84%, cao nhất tỉnh Nghệ An cũng như cả nước.
Hướng thoát nghèo bền vững
Gia đình anh Nguyễn Đình Hải ở bản Tổng Sán là một trong những gia đình điển hình về phát triển kinh tế từ trồng rừng keo nguyên liệu ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.
Trước đây, khi chưa tham gia trồng rừng nguyên liệu, cuộc sống của gia đình anh Hải cũng như các gia đình khác ở bản Tổng Sán đều bấp bênh, gặp nhiều khó khăn khi sống phụ thuộc vào rừng.
Chăm sóc rừng keo gỗ lớn bắt đầu được thực hiện ở Con Cuông.
Nhờ tuyên truyền, vận động của địa phương, và qua tham quan, học hỏi các mô hình trồng rừng nguyên liệu, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hải đã nhận 20ha đất rừng để tổ chức trồng cây keo.
Với phương châm, lấy ngắn nuôi dài, lấy chăn nuôi và nông nghiệp để “nuôi” rừng keo, nên hễ có đồng vốn nào từ bán đàn gia súc, hay vay mượn là gia đình anh Hải đều dồn vào trồng keo.
Sau 5, 6 năm chăm bẵm, mỗi lứa keo cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, gia đình anh còn phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Từ nguồn thu ổn định bởi rừng nguyên liệu keo, anh xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong nhà và đầu tư cho con cái học hành…
Thi đua cùng anh Hải có gia đình chị Hoàng Thị Lâm ở Bản Kẻ Gia trồng 30ha rừng keo, tre, cùng hàng chục hộ dân ở xã Thạch Ngàn này đều trồng từ 5 đến 10ha rừng keo cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn, Nguyễn Đàm Minh, cho biết: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân trồng thâm canh rừng keo nguyên liệu đi đôi với công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng. Mỗi năm địa phương phấn đấu trồng mới vài trăm ha rừng trồng, nâng diện tích rừng keo trên địa bàn toàn xã lên con số 2.700ha.
Ở Thạch Ngàn, hầu như nhà nào cũng gắn bó với trồng rừng keo gắn với bảo vệ, quản lý, chăm sóc rừng và phát triển chăn nuôi với đàn gia súc trên 5.000 con… Nhờ đó mà cuộc sống người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày một giảm và hộ trung bình, khá giả ngày càng gia tăng. |
Lãnh đạo huyện Con Cuông cho biết: Nằm ở phía Tây Nam Nghệ An, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện có gần 164.600ha, chiếm 89,91% so với tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, rừng sản xuất gần 58.000ha. Những năm gần đây, xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, huyện miền núi Con Cuông đã khuyến khích, động viên nhiều tập thể, gia đình, cá nhân tham gia nhận đất trồng rừng.
Bình quân, mỗi năm toàn huyện Con Cuông trồng từ 1.500-1.800ha rừng keo. Bà con các dân tộc thiểu số trong huyện nói chung và nhất là vùng tả ngạn sông Lam như Mậu Đức, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn, Đôn Phục đã xác định nghề trồng rừng keo nguyên liệu là “đòn bẩy” giúp cho họ thoát nghèo, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Số hộ khá giả như gia đình anh Nguyễn Đình Hải hay chị Hoàng Thị Lâm ngày một nhiều.
Thu hoạch Keo cho thu nhập khá ở xã Chi Khê (Con Cuông). (Ảnh: Bá Hậu)
Cùng với đó, huyện Con Cuông còn tuyên truyền, vận động người dân chú trọng bảo vệ và phát triển ba loại rừng đạt hiệu quả. Không chỉ rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ phát triển mạnh, mà tại các xã Châu Khê, Môn Sơn, Lục Giạ…, những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững.
Ngoài ra, các xã trong huyện cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, kiểm tra, tuần tra rừng tận gốc, công tác kiểm soát lâm sản được tăng cường thường xuyên. Công tác tuyên truyền, ký cam kết phòng chống cháy rừng được quan tâm, các chủ rừng đã thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các cấp, ngành chức năng tích cực ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định. Nhờ vậy, độ che phủ rừng của huyện Con Cuông đạt 84,35%, cao nhất tỉnh Nghệ An cũng như cả nước.
Đa dạng kinh tế rừng
Cùng với phát triển rừng keo nguyên liệu, huyện Con Cuông còn là một trong những “thủ phủ” trồng tre, mét ở tỉnh Nghệ An với hơn 3.000ha đang cho khai thác.
Cây tre, mét tập trung nhiều ở các xã: Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Giạ… Bình quân mỗi năm, người dân ở huyện thu hoạch, bán ra thị trường hơn 1,5 triệu cây, đạt doanh thu 30 tỷ đồng. |
Địa phương cũng khuyến khích chế biến sâu để giải quyết lao động nông nhàn. Hiện trên địa bàn huyện Con Cuông, ngoài các làng nghề mây, tre đan truyền thống còn có các doanh nghiệp, xưởng sản xuất sử dụng nguyên liệu tre, mét sẵn có tại địa phương được thị trường ưa chuộng, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, qua đó, đã nâng cao giá trị cây tre, cây mét, giúp người dân yên tâm sản xuất, tạo sinh kế bền vững từ trồng tre, mét nguyên liệu gắn với bảo vệ rừng.
Ngoài phát triển rừng nguyên liệu và tiếp tục nhân rộng các mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, huyện Con Cuông còn tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, như: trồng 21ha cây mắc-ca và đang phát triển tốt, có khả năng nhân rộng ra nhiều xã ở vùng cao; trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với chế biến; kết hợp những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán…
Con Cuông cần nhiều xưởng chế biến keo.
Huyện Con Cuông đã và đang quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vào các vùng nguyên liệu nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí vận chuyển gỗ rừng trồng, đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ phát triển về giống cây trồng; đầu tư nhà máy chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ… nhằm góp phần giải quyết đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Hoàng Sỹ Kiện cho biết: Là huyện miền núi có diện tích đất rừng lớn, vì thế phát huy hiệu quả từ đất rừng đã và đang là hướng đi đúng được huyện quan tâm chú trọng đầu tư, góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Con Cuông.
Thu hoạch tre, mét ở Bình Chuẩn (Con Cuông).
Thời gian tới, Con Cuông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác khoán, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng; gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang bản sắc văn hóa bản địa.
Nhiệm vụ trước mắt mà Con Cuông đặt ra trên hành trình phát triển kinh tế rừng, trở thành đô thị sinh thái xanh, đó là: Quản lý bảo vệ tốt 149.604,3ha diện tích rừng hiện có cùng với việc trồng rừng nguyên liệu… Rà soát, quy hoạch các đối tượng rừng nghèo kiệt là rừng sản xuất để khoanh vùng chuyển đổi giao cho nhân dân phát triển trồng rừng, bảo đảm đúng quy định; xây dựng kế hoạch chuyển dần từ diện tích rừng nguyên liệu sang phát triển rừng gỗ lớn; xây dựng một số mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn FSC…
Để làm được điều này, huyện Con Cuông phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng, trông chờ, ỷ lại; chủ động, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh vào trồng rừng nguyên liệu.
Cùng với đó huyện cần tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến để người dân yên tâm khâu tiêu thụ ổn định. Huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp, đáp ứng được nhu cầu nhận đất, nhận rừng của người dân trên địa bàn để rừng thực sự có chủ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ rừng. Tiếp tục đẩy nhanh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhân rộng các mô hình phát triển lâm nghiệp...
Nghề mây tre đan xuất khẩu phát triển ở Con Cuông giúp cải thiện việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Giờ đây, dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 541, dài 15km từ Quốc lộ 7 đi vào các bản làng từ Mậu Đức đến Thạch Ngàn hay các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ khác đều bạt ngàn màu xanh của rừng keo, tre, mét nguyên liệu.
Màu xanh này trải dài hết quả núi này sang quả núi khác trông bắt mắt; dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng đàn trâu bò hàng chục con đang nhởn nhơ gặm cỏ ở những vùng chăn nuôi tập trung như phần nào nói lên công cuộc xoá đói, giảm nghèo của bà con các dân tộc thiểu số ở huyện vùng núi này ngày một khởi sắc.
Thành Châu