Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn du lịch khu vực như ASEAN, Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng...
Hợp tác du lịch Việt Nam-Lào liên tục phát triển trong những năm qua. Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào là nền tảng vững chắc để hai nước tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu thương mại, văn hóa, đầu tư và du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Triển lãm ảnh "Tình hữu nghị Lào - Việt Nam đời đời bền vững". (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Cơ sở hợp tác được hình thành từ năm 1991 khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định về hợp tác du lịch. Triển khai Hiệp định, Bộ quản lý du lịch của hai nước đã ký nhiều kế hoạch các giai đoạn 1997-1998, 1999-2000, 2001-2002, 2012-2015, 2016-2020, 2021-2025, cụ thể hóa các hoạt động trong từng giai đoạn. Chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đều xác định thị trường Đông Nam Á, trong đó có Lào, là thị trường quan trọng cần tập trung khai thác.
Hai nước đã miễn thị thực cho công dân của mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông. Giao thông đường không, đường sông, đường bộ kết nối giữa các thành phố lớn của hai nước thuận tiện cho phát triển du lịch. Doanh nghiệp hai bên hợp tác chặt chẽ trong tổ chức các tour bằng xe tự lái, du lịch đường bộ, đường không.
Sau những khủng hoảng do tác động của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2019-2021, hiện nay, hai nước đều đã mở lại toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.
Hàng năm, Du lịch Lào tham dự và có gian hàng tại Hội chợ quốc tế VITM tại Hà Nội và ITE-HCMC tại TP. Hồ Chí Minh. Ngành Du lịch hai nước thường xuyên hỗ trợ nhau tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến, phối hợp tổ chức tọa đàm và các hội thảo chuyên đề về xúc tiến và đầu tư du lịch tại Việt Nam và/hoặc trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa du lịch Việt Nam tại Lào.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng hội đàm với Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh ngày 19/7/2022. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Hưởng ứng kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Tổng cục Du lịch đang tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ lồng ghép liên quan đến xúc tiến quảng bá, hợp tác kết nối văn hóa, du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Dự kiến, trong tháng 9/2022, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào và tổ chức các chương trình khảo sát, trải nghiệm dành cho các hãng lữ hành, các cơ quan truyền thông và đại biểu các địa phương hai nước khảo sát các điểm du lịch, khu di tích lịch sử tại tỉnh Điện Biên trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ ba tại tỉnh Điện Biên năm 2022.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn du lịch khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Hợp tác Bốn quốc gia-Một điểm đến (CLMV), Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác du lịch hành lang phía Nam (Lào-Thái Lan-Việt Nam), Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).
Trong khuôn khổ hợp tác CLV, tại Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 11 ngày 9/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ba nước đã thông qua “Kế hoạch Phát triển Du lịch Khu vực Tam giác Phát triển CLV giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”. Tháng 5/2022, Việt Nam chủ trì tổ chức Phiên họp trực tuyến Nhóm công tác du lịch ba nước CLV lần thứ nhất thảo luận phân công triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch, trong đó mỗi nước dẫn dắt thực hiện 5 nhiệm vụ.
Tổng cục Du lịch chủ trì điều hành Phiên họp trực tuyến Nhóm công tác du lịch triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 vào tháng 5/2022. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Với những nỗ lực hợp tác từ cả hai phía, trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt, trong đó khách Lào sang Việt Nam đạt hơn 98.000 lượt; khách Việt Nam sang Lào đạt 924.875 lượt. Việt Nam đứng thứ ba về gửi khách đến Lào.
Sau khi hai nước mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế (Việt Nam từ ngày 15/3/2022, Lào từ ngày 9/5/2022), việc trao đổi khách giữa hai bên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Sáu tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 18.693 lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt 49.164 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ hai, sau Thái Lan.
Thời gian tới, ngành Du lịch hai bên chú trọng hợp tác với các nội dung cụ thể như sau:
Về phối hợp xúc tiến quảng bá, ngành Du lịch hai nước nỗ lực nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá trực tiếp cũng như trực tuyến trên các kênh truyền thông, mạng xã hội phổ biến. Hai bên xem xét khả năng hợp tác trong việc áp dụng công nghệ số trong truyền thông phục hồi, phát triển du lịch; tạo điều kiện cho mỗi bên tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch tại mỗi nước; xây dựng các chiến dịch quảng bá, kết nối các khu di sản thế giới của Việt Nam và Lào; tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến chung Việt Nam-Lào tại một số thị trường trọng điểm của hai nước.
Về phối hợp xây dựng sản phẩm, hai bên tăng cường trao đổi xây dựng và phát triển các sản phẩm kết nối tour, tuyến giữa các điểm đến của hai nước, liên kết doanh nghiệp lữ hành. Hai bên xem xét hợp tác cùng đón đoàn từ nước thứ ba, đặc biệt là từ các thị trường nguồn, trọng điểm chung của hai nước: Mỹ, châu Âu, Canada, Australia, New Zealand...
Ngành Du lịch hai nước phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 cũng như trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương khác như ASEAN, GMS, CLMV, ACMECS...
Hai bên khuyến khích các địa phương hợp tác trong việc hợp tác kết nối phát triển du lịch biên giới. Phối hợp tiếp tục khuyến nghị bộ ngành liên quan nâng cấp hệ thống cửa khẩu, đường giao thông, đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ nối từ các cặp cửa khẩu quốc tế về các điểm du lịch.
Có thể khẳng định, hợp tác du lịch Việt - Lào hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng mới, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc, củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngành Du lịch của Việt Nam và Lào sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19 và ngày càng phát triển.
Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch