Theo câu hát của bài “Tâm tình cô gái Na Hang” (nhạc sỹ Lê Việt Hòa), chúng tôi vượt hơn trăm cây số từ Hà Nội đến thẳng vùng đất của “Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô-Gâm tới Na Hang quê em/Ai bay trên không tới miền Thượng Lâm/ Thấy chín mươi chín ngọn núi/Đó chính là Na Hang quê em…”
Na Hang hay còn gọi là Nà Hang, thuộc tỉnh Tuyên Quang thuộc khu vực phía Bắc Việt Nam. Theo tiếng Tày, Nà Hang là “Ruộng cuối”. Từ xa xưa con người đã quan niệm, nơi nào có sự gặp gỡ của nhiều dòng nước thì đó sẽ là nơi hội tụ của văn hóa và kinh tế. Và quả đúng như tên gọi, sự gặp gỡ của sông Gâm và sông Năng, cộng với những dãy núi hùng vĩ đã tạo cho mảnh đất Na Hang này một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Mây núi Na Hang hòa quyện, tạo nên cảnh sắc nên thơ kỳ vĩ. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Được ví là “hồ biếc trên non”, từ Bến Thủy (hoặc có thể lựa chọn bến thuyền từ Thác Mơ) lên tàu, du khách sẽ xuôi dòng sông Gâm để tận mắt ngắm cảnh và tận hưởng bầu không khí trong lành của một “bức tranh sơn thủy đang còn nguyên sơ” với non xanh nước biếc hòa quyện chặt chẽ, không thể tách rời.
Là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng trên khu vực lòng hồ thủy điện với diện tích trên 8.000 ha... Bởi vậy, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, là cơ sở nhiều du khách khi đặt chân đến đâu đều ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Nằm giữa những vách đá hùng vĩ, những ngọn núi đá vôi đồ sộ và những cánh rừng nguyên sinh sâu hun hút, hồ Na Hang hiện lên với một khung cảnh ngập tràn sắc xanh. Đó là sắc xanh của cây, của nước quyện cùng sắc xanh của mây trời.
Thuyền xuôi dòng, theo tiếng đàn tính và câu hát then cộng với gió hồ mát, nước hồ trong và đặc biệt là cảnh sắc non nước, núi rừng hùng vĩ khiến cho mỗi du khách trên thuyền không thể rời mắt và trầm trồ. Điểm Núi Pắc Tạ hiện lên trước nhất, bởi đây cũng chính là ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang, có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu và lòng hồ Nà Chác trong xanh, cùng những cánh đồng lúa xanh mượt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh tĩnh mịch hoang sơ. Tiếp đến, là ngôi đền Pắc Tạ nằm ngay dưới chân núi. Ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV, thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285. Ngoài ra, còn có ngôi đến Pắc Vãng trên đỉnh núi. Người dân trong vùng đến với Pắc Tạ, Pắc Vãng linh từ để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh.
Thác Khuổi Nhi với chiều dài khoảng hơn 3km, tuôn tràn qua 3 tầng đá với phong cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình - Tầng thác đầu tiên. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Tầng thác thứ hai của thác Khuổi Nhi ở lưng chừng núi. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Tầng thác thứ ba của thác Khuổi Nhi trên đỉnh núi - tấng thác cao nhất, nơi du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa đằm mình trong làn nước trong mát xanh của thác. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Điểm đến tiếp theo là thác Khuổi Nhi, điểm cuối cùng của một con suối trước khi chảy ra lòng hồ. Có thể xem Khuổi Nhi như là một “tuyệt phẩm của mẹ thiên nhiên ban tặng. Ở đây, thác chảy thành nhiều dòng, nhiều tầng thác lớn nhỏ, được bao bọc bởi một hệ sinh thái núi rừng hoang sơ, từng bậc thác mềm mại, trắng xóa nối đuôi nhau đổ xuống chân núi. Ngược theo dòng thác lên đỉnh cao nhất, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của dòng thác cao vút, bọt tung trắng xóa đổ dồn xuống một bể nước tự nhiên trong xanh, kỳ ảo, đẹp mê mẩn. Từng bậc thác mềm mại, trắng xóa nối đuôi nhau đổ xuống chân núi như một suối tóc mây màu trắng mềm mại của người con gái, buông hờ xuống mặt hồ phẳng lặng.
Tạm biệt vùng thác Khuổi Nhi, thuyền tiến đến khu vực Cọc Vài Phạ có nghĩa là cọc buộc trâu trời nằm phía thượng nguồn. Đây vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm (Lâm Bình, Tuyên Quang). Trước khi có hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này, bởi địa hình hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, đây là một trong 8 phân khu chức năng của Khu du lịch sinh thái Na Hang.
Gần khu vực Cọc Vài Phạ này, có một điểm tắm lòng hồ và dịch vụ chèo thuyền Kayak tại lòng hồ, thêm lựa chọn thú vị cho du khách ưa mạo hiểm, thích chính phục thử thách.
Cọc Vài Phạ và trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền Kayak, bơi lội giữa lòng hồ…(Ảnh: Quỳnh Trang)
Theo chia sẻ của người dân địa phương, từ tháng 9 âm lịch trở ra, nước dâng cao, việc thăm quan lòng hồ sẽ còn thuận tiện hơn nhiều và thuyền có thể xuôi dòng đến Bắc Mê, Hà Giang. Cũng theo giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến Thác Mơ, rừng Phiêng Bung, núi Sa...Thác Mơ được ví như suối tóc mây, mềm mại buông hờ xuống mặt hồ trong xanh. Rừng Phiêng Bung với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát và cảnh ruộng bậc thang hút mắt… Khu rừng Phiêng Bung này còn được nhiều du khách ví như “Đà Lạt thu nhỏ giữa đại ngàn” với phong cảnh non nước hữu tình, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, với đủ các loại hoa khoe sắc bốn mùa làm say lòng người. Một rừng mỡ hơn 10 năm tuổi trải dài tít tắp tạo cảm giác như bước vào thế giới thần tiên. Ở đó có những cung đường được thảm cỏ mềm mại, có hàng cây vững chãi bao bọc, che chở trước gió bão...
Phiêng Bung có diện tích tự nhiên rộng hơn 180 ha. Hệ động, thực vật ở đây tương đối phong phú và đa dạng với nhiều loài gỗ quý như nghiến, đinh, lát… và nhiều loài chim thú như sơn ca, họa my, sóc, hươu… Người dân sinh sống ở Phiêng Bung chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Cao Lan, Dao. Nhiều làn điệu then, cọi, Páo dung... đặc sắc và độc đáo của dân tộc Tày, Dao vẫn được người dân lưu giữ và phát triển. Bởi vẻ đẹp thiên nhiên khó cưỡng, mà Phiêng Bung đã được huyện Na Hang lựa chọn để tổ chức lễ là đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ vào cuối năm 2019.
Ẩm thực Na Hang làm nức lòng du khách. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Đến Na Hang, cũng không thể không đến xã Hồng Thái, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, núi đồi hùng vĩ, điệp trùng, không khí quanh năm mát mẻ, đến Hồng Thái, với bầu không khí trong lành và những làn sương bồng bềnh trên những vườn lê, vườn chè Shan tuyết cổ thụ, với những cánh đồng bậc thang hòa cùng làn điệu Páo Dung dễ dàng làm đắm say lòng bao du khách mỗi khi tìm về.
Na Hang cũng là chốn tụ cư của 12 dân tộc anh em nên nơi đây có một nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc vùng cao. Các lễ hội tâm linh, rực rỡ sắc màu như: Nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ, lễ hội Lồng tông của người Tày, lễ Cấp sắc của người Dao tiền cộng với những di tích có từ xa xưa như Đền Pắc Tạ, đền Pắc Vãng và hang Phia Vài của người Việt cổ, có niên đại hàng vạn năm tuổi…
Một nét chấm phá nữa không thể bỏ qua là sự đặc biệt của ấm thực Na Hang với những món ăn không quá sang trọng, càng không cầu kì mà chỉ được chế biến mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây nhưng vị ngon và độ tươi mới của món ăn dễ dàng làm mỗi chúng ta lưu luyền như: Thịt trâu gác bếp, thịt lợn chua, cơm lam, măng cuốn, bánh trứng kiến, cá Lăng om chuối đậu, gỏi cá Bỗng, xôi ngũ sắc, các loại rau rừng tươi ngon, thanh ngọt…/.
Hà Anh