Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc gia "Hợp tác xã và hộ lâm nghiệp nhỏ tham gia phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững vùng nông thôn Việt Nam: Chính sách - giải pháp - kinh nghiệp quốc tế và thực tiễn Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, HTX và tổ hợp tác (THT) lâm nghiệp trên cả nước đang góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Thống kê thực tế đến cuối năm 2021, cả nước có 9.241 HTX trồng trọt, 181 HTX lâm nghiệp, 48 HTX diêm nghiệp, 99 HTX dược liệu. Ảnh minh họa
Cả nước có 9.452 HTX phi lâm nghiệp, trong đó có 2.293 HTX thương mại dịch vụ có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng, quản lý rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ lâm sản. Hiện, cả nước có 320 THT lâm nghiệp và khoảng 15.000 THT có liên quan đến lâm nghiệp (khai thác, chế biến, tiêu thụ…).
Riêng các HTX lâm nghiệp, trồng trọt và kinh doanh có liên quan đến lâm nghiệp hiện đang có bình quân 176 thành viên/HTX, trong đó 90% là hộ gia đình có liên quan đến rừng, tương ứng với 2,6 triệu hộ gia đình có liên quan đến rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Bình quân một hộ gia đình có khoảng 1ha rừng trồng và các HTX lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp đang quản lý 2,6 triệu ha rừng/tổng số khoảng 4,6 triệu ha rừng trồng cả nước và THT lâm nghiệp được giao quản lý , khai thác các loại rừng khác nhau (bình quân 15ha/THT).
Tính chung trong khu vực KTTT, HTX đang tham gia quản lý, khai thác trên 3,5 triệu ha rừng tự nhiên/tổng số 10,2 triệu ha rừng tự nhiên của cả nước và được trải khắp các vùng, miền đất nước.
Trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, trước bối cảnh trong nước và thế giới có những thách thức to lớn như sự biến đổi khí hậu, thời tiết và dịch bệnh có diễn biến phức tạp đòi hỏi phát triển KTTT, HTX nói chung, phát triển HTX lâm nghiệp nói riêng phải đảm bảo tính bền vững, lựa chọn HTX phù hợp, quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại gắn với liên kết chuỗi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Hiện, đã có những HTX đẩy mạnh đầu tư tư, áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp. Tiêu biểu như HTX lâm nghiệp Công nghệ cao Phú Yên đang sản xuất rừng bền vững FSC theo chuỗi giá trị. Việc ra đời của HTX phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy thế mạnh của địa phương và kinh nghiệm của người dân.
Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, HTX Công nghệ cao Phú Yên đã có thêm vốn đề đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng rừng trồng từ đó tạo cơ hội ký được các hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Mô hình HTX Công nghệ cao Phú Yên đang tạo niềm tin và thu hút được nhiều người dân tham gia mô hình trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Trước vai trò của mô hình KTTT, HTX trong phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ tự quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng từ khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp và tăng trưởng kinh tế, dự án "Hướng tới phục hồi lâm nghiệp nhỏ tại Việt Nam" gọi tắt là Dự án VIE8701 đặt mục tiêu đến 2030 sẽ phấn đấu phát triển khoảng 1.000 tổ hợp tác lâm nghiệp, 150-200 HTX lâm nghiệp và 5 liên hiệp HTX lâm nghiệp. Bên cạnh đó là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 7.500 HTX kinh doanh nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp.
Minh Anh (T/h)