Huyện vùng cao An Lão được thiên nhiên ưu ái với nhiều nguồn tài nguyên, tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện vùng cao này vẫn cần làm thêm rất nhiều việc.
Trung tâm huyện vùng cao An Lão cách QL 1 32 km và cách TP Quy Nhơn 115 km. Huyện có 3 dân tộc chính là Kinh, Hre và Bana, mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng về nghi thức lễ cưới, cúng làng, cúng con nước; hát Ta lêu, Ka choi, hát ru; nhạc cụ cồng chiêng, sáo; các lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng…
Cách trung tâm thị trấn An Lão chỉ vài phút đi xe, thác Đá Ghe (xã An Hưng) thu hút nhiều người dân địa phương đến tham quan vào dịp cuối tuần. Ảnh: Lê Na
Nói đến cảnh đẹp ở An Lão, phải nhắc đến hệ thống sông, suối, thác, hồ đẹp như hồ thủy điện Sông Vố (thị trấn An Lão), thác Đá Ghe, thác Long Vo (xã An Hưng), hồ Hưng Long (xã An Hòa), thác 4 Tầng (xã An Quang), thác R’rê, thác Rông (xã An Vinh)...
Gần đây, khi nói đến An Lão, có thêm một địa danh mới để mọi người cùng tham quan, đó là hồ Đồng Mít. Đây là dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng và hoàn thành cuối năm 2021, diện tích lòng hồ rộng 503,36 ha với cung đường bê tông chạy quanh hồ khá đẹp. Hiện hồ Đồng Mít đã được tích đầy nước tạo phong cảnh đẹp, góp thêm điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện An Lão.
Gần đây, khi nói đến An Lão, có thêm một địa danh mới để mọi người cùng tham quan, đó là hồ Đồng Mít. Ảnh: Dũng Nhân
Trong tổng thể bức tranh thiên nhiên An Lão phải kể đến vẻ đẹp của vùng cao An Toàn. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, An Toàn được ví von là “Cổng trời” của tỉnh Bình Định. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loài động thực vật quý hiếm là nơi trải nghiệm thú vị dành cho những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên với khí hậu mát mẻ.
Sở hữu tài nguyên, tiềm lực du lịch phong phú như thế nhưng du lịch An Lão nhìn chung vẫn chưa có gì đáng kể. Công tác xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch ở đây triển khai còn chậm; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm tiềm năng du lịch còn nhiều khó khăn, chưa có nhà đầu tư chiến lược; các khu vui chơi giải trí phục vụ du khách còn hạn chế; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch chưa được quan tâm, hiệu quả chưa cao…
Bên cạnh những vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, An Lão còn có những nét văn hóa đặc trưng của người H’re, Bana - Trong ảnh: Du khách hòa cùng điệu cồng chiêng tại Thôn 1, xã An Toàn. Ảnh: Lê Na
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Huyện rất quan tâm đến việc phát triển du lịch và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Tuy vậy, dù đã quy hoạch 12 điểm du lịch trên địa bàn huyện, nhưng vẫn chưa có quy hoạch phân khu từng địa điểm. Do đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh giúp chúng tôi có quy hoạch từng phân khu; quan tâm đến việc mở rộng, xây dựng các tuyến đường giao thông; thu hút các nhà đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, điểm vui chơi để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu những điểm đặc trưng của du lịch An Lão đến với nhiều người hơn.
Mới đây, Sở Du lịch đã tổ chức đợt khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện An Lão. Đây được coi là cơ sở để đánh giá, đề xuất xây dựng các điểm du lịch dựa theo tiềm năng của từng địa phương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phát triển du lịch bền vững cho huyện vùng cao này.
Lê Na