Trong những năm qua, ngành du lịch Hội An tăng trưởng nhanh chóng kéo theo áp lực ngày càng tăng về xử lý vấn đề môi trường và rác thải. Các bãi rác tập trung của Hội An thường xuyên bị quá tải, trong đó rác thải phát sinh từ dịch vụ du lịch chiếm tới 40%, phần lớn là các loại túi ni lông, rác thải nhựa dùng một lần.
Số liệu thống kế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ nhựa dùng một lần vẫn chiếm khoảng 23% tổng khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày trên địa bàn thành phố Hội An. Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện đơn vị đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần trong khu phố cổ năm 2022 để tham mưu UBND thành phố. Trong đó, tập trung vào sắp xếp, chấn chỉnh lại công tác vệ sinh môi trường trong khu phố cổ.
Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và môi trường cũng đang nghiên cứu xây dựng các mô hình nhỏ về thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần trong khu phố cổ, như mô hình doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng giải khát, nhà hàng, hàng lưu niệm, shop vải, trường học, chi hội phụ nữ thực hiện tốt việc giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.
Ngành du lịch Hội An tăng trưởng, kéo theo áp lực lớn về xử lý vấn đề môi trường và rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Ảnh: Tr. Thường
Tại Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố về bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong thời gian đến, Hội An sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường. Đối với khu phố cổ, thành phố sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp giải quyết những vấn đề “nóng”, bức xúc về môi trường còn tồn tại trong khu phố cổ; phân tích nguyên nhân của từng vấn đề để đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả.
Trong những năm qua, nhận thức được tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường và sức khỏe, từ năm 2009 UBND thành phố Hội An đã phát động chiến dịch giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi nilon trên toàn địa bàn thành phố, đồng thời lấy ngày 9/9 là Ngày “Hội An nói không với túi nilon” nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của con người và môi trường sống
Theo thống kê của UBND thành phố, sau 13 năm phát động và triển khai, Hội An đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực trong việc kéo giảm phát thải nhựa dùng một lần và túi ni lông với sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng người dân và doanh nghiệp. Nhiều mô hình hay như: "Văn phòng xanh", "Ngôi nhà xanh", "Chi hội phụ nữ xách giỏ đi chợ"... được triển khai trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Vừa qua, thành phố Hội An tổ chức phát động chương trình “Cộng đồng giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng đến xây dựng Hội An trở thành Điểm đến xanh”. Tại Lễ phát động, ba mô hình đã được ra mắt, gồm: Mô hình Tổ Phụ nữ giám sát cộng đồng “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; mô hình Tổ Phụ nữ giám sát cộng đồng "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần" tại khối An Thắng, phường Minh An; mô hình tái chế rác thải nhựa tại nguồn tạo sinh kế của Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật phường Cẩm Nam.
Trước đó, nhằm cân bằng giữa công tác quản lý môi trường và mục tiêu xây dựng thành phố Hội An 'sinh thái - văn hóa - du lịch', ngành Du lịch thành phố đã dần chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường. Theo đó, UBND TP. Hội An (Quảng Nam) và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã ký và công bố “Khung kế hoạch Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021-2023”.
Thành phố Hội An triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đặc biệt trong hoạt động du lịch tại địa phương. Ảnh: Huy Đạt
Khung hành động của doanh nghiệp du lịch gồm "8T" là tổ chức thực hiện, từ chối nhựa dùng một lần, tiết giảm sản phẩm khó tiêu hủy, tái sử dụng, thay thế vật liệu, tái chế trên cơ sở phân loại, truyền thông nâng cao nhận thức và tạo sản phẩm, dịch vụ hướng tới du lịch xanh.
Giai đoạn 2021 – 2022 đã có 36 doanh nghiệp cam kết vào khung hành động này; theo lộ trình 2022 - 2023 sẽ có 100 doanh nghiệp cam kết, trong đó 50% là doanh nghiệp lớn. Nội dung cam kết gồm giảm 30% rác nhựa khó tái chế, sử dụng một lần trước năm 2023; giảm 100% lượng này trước năm 2030 và tái chế tối thiểu 50% rác hữu cơ trước năm 2030. Đến cuối năm 2023, UBND TP. Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai cho mục tiêu 2025 và 2030.
Hồng Thảo