Cồn Mỹ Phước là một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Từ khi Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển du lịch ở đây thì người dân cũng bắt đầu hưởng ứng và tham gia làm du lịch sinh thái, phát triển kinh tế gia đình. Nổi bật là ông Ngô Minh Sang - chủ homestay Út Săn.
Cồn Mỹ Phước là một ấp cù lao thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Ngoài tên gọi Mỹ Phước, cồn còn có nhiều tên gọi khác như cồn Công Điền hay cồn Bùn. Cồn có chiều dài khoảng 5km, diện tích tự nhiên của cồn Mỹ Phước hơn 1.020ha. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và làm kinh tế du lịch. Cồn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: nhãn, sầu riêng, măng cụt... và các loài thủy sản nước ngọt như: tôm càng xanh, cá tra bần, cá bông lau...
Du khách trải nghiệm tại vườn nhãn tại Homestay Út Săn. Ảnh: Quách Tấn Thuần
Ông Ngô Minh Sang vốn được xem là “thổ địa” của cồn Mỹ Phước, bởi gia đình ông từ nhiều đời nay gắn bó với “quả bóng bầu dục” xanh ngắt lênh đênh giữa dòng sông Hậu này. Ngoài ra, ông Sang cũng được xem là người đi tiên phong trong việc làm du lịch sinh thái ở cồn Mỹ Phước. Theo ông thì việc làm du lịch ở đây đã có từ vài chục năm trước. Thời đó, người dân làm tự phát, chủ yếu là vào dịp tết Đoan ngọ hàng năm. Sản phẩm du lịch cũng đơn điệu, khách đến tham quan chủ yếu là vào vườn trái cây, ăn uống xong rồi thì về, hết một ngày tết Đoan ngọ coi như xong.
Hiện tại, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nhạy bén chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và tư duy mới trong làm kinh tế du lịch của người dân thì bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng khởi sắc. Nếu như trước đây người dân chủ yếu chỉ trồng nhãn, sa pô thì giờ đây xứ cồn đã đa dạng về chủng loại cây ăn trái đặc sản, người dân cũng bắt đầu cải tạo ao nuôi cá, cải tạo vườn tạp để phục vụ du lịch.
Trở lại câu chuyện làm du lịch sinh thái của ông Ngô Minh Sang, ông chia sẻ: “Mình gắn bó với xứ cồn này từ khi mới lọt lòng. Hiện tại tất cả anh em trong nhà đã định cư ở nước ngoài nhưng mình thì không. Ở đâu cũng sống, hễ có làm là có ăn thôi!”.
Chính vì tình yêu mãnh liệt với mảnh đất quê hương mà ông Ngô Minh Sang luôn trăn trở phải làm thế nào để vực dậy tiềm năng du lịch của địa phương. Hơn bốn năm trước, ông đã tập tành làm du lịch bằng việc cải tạo mảnh vườn tạp rộng hơn 8.000m2, trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là các giống nhãn như: thanh nhãn, nhãn tím, nhãn xuồng cơm vàng...; dưới ao thì ông nuôi tôm tự nhiên, thả cá. Trên liếp vườn thì ông thả gà vườn, cất thêm nhiều tum nhỏ để phục vụ ăn uống cho du khách gần xa.
Rồi cơ duyên cũng đến với ông Ngô Minh Sang, năm 2019, ông được địa phương lựa chọn tham gia mô hình làm du lịch sinh thái do Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Tham gia vào mô hình này, ông được dự các lớp tập huấn về làm du lịch, được đầu tư xây dựng 2 phòng nghỉ khang trang sử dụng pin năng lượng mặt trời phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, niềm vui cũng không được trọn vẹn, khi mà homestay Út Săn vừa ra đời chưa lâu thì dịch Coid-19 kéo tới, vậy là mọi hoạt động của homestay rơi vào đình trệ.
Quyết không từ bỏ, thời gian phòng, chống dịch Covid-19, ông Ngô Minh Sang vẫn tập trung duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất của homestay. Đến thời điểm hiện tại, khi mà dịch bệnh Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới thì homestay Út Săn cũng nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều đoàn khách du lịch gần xa đã ghé thăm homestay và sự thiện cảm mà họ để lại chính là động lực để ông Ngô Minh Sang tiếp tục với hành trình làm du lịch sinh thái của mình.
Hiện tại, đến với homestay Út Săn, du khách gần xa sẽ được trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình ông. Ngoài trái cây, khách du lịch còn được tự tay chiên bánh xèo, chế biến và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của vùng sông nước cù lao, như: canh chua cá bông lau, tôm càng xanh nướng than, cá tra bần chưng tương...; du khách cũng có thể thư giãn bằng việc tham gia câu cá, bơi xuồng ngắm cảnh hoàng hôn trên sông Hậu...
Tuy nhiên, dù tâm huyết có thừa nhưng ông Ngô Minh Sang cũng còn không ít trăn trở: “Hiện tại homestay của mình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch còn sơ sài, sản phẩm du lịch chưa được phong phú, đi vào chiều sâu, chưa có cách làm hiệu quả để thu hút khách du lịch ở lại homestay dài ngày...”. Từ đó, ông Sang mong muốn được sự quan tâm, tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan chức năng phụ trách về du lịch. Ngoài ra, để homestay Út Săn hoạt động hiệu quả hơn, góp phần vào việc phát triển du lịch ở địa phương, ông Sang cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách gần xa đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Khó khăn hiện tại của homestay Út Săn cũng là khó khăn chung của nhiều hộ dân khi bắt tay vào làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng phụ trách về du lịch cũng như các doanh nghiệp làm du lịch của tỉnh nhà, sự nhạy bén dám nghĩ, dám làm của những người nông dân như ông Ngô Minh Sang, tin rằng trong tương lai không xa danh tiếng của Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước nói chung và homestay Út Săn sẽ ngày càng vươn xa, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa mỗi khi về thăm Sóc Trăng.
Quách Tấn Thuần