“Đã khá lâu rồi, mình mới có dịp trở lại với Thác Bà, Tánh Linh. Không gian vẫn vậy! Phong cảnh hữu tình, mát mẻ bởi tiếng nước suối trong veo chảy róc rách dưới những tảng đá lớn. Bao quanh là núi rừng xanh ngát, tạo cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu cho những ai ghé qua”. Đó là lời chia sẻ của một du khách khi đến với Tánh Linh trong dịp lễ Quốc khánh vừa qua.
Nhắc đến các hoạt động du lịch, có thể huyện Tánh Linh chưa thực sự nổi bật như một số địa điểm khác trong tỉnh. Nhưng bên cạnh những thách thức, thuận lợi và thời cơ, Tánh Linh đang có những yếu tố phát triển đặc thù nhất định. Đơn cử như Khu du lịch Thác Bà nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông nên vẫn giữ được khung cảnh hoang sơ đến kỳ lạ. Từ lâu, đây là một trong những điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm.
Cảnh đẹp tự nhiên ở Thác Bà
Không chỉ riêng Thác Bà, nhìn chung huyện Tánh Linh là nơi có môi trường tự nhiên tương đối trong lành, khí hậu mát mẻ hơn so với nhiều địa phương trong tỉnh. Huyện miền núi này còn có nguồn lực đất đai dồi dào, đứng thứ 3 trong tỉnh về diện tích tự nhiên, chỉ sau Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Đồng thời là nơi giao thoa của 3 vùng khí hậu đặc trưng là Tây Nguyên, Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Đến với Tánh Linh, có lẽ nhiều người phải ồ lên trước không gian có địa hình đồi núi trùng điệp, đồng bằng sông La Ngà khá rộng lớn và trù phú. Vùng đất này còn có các hồ nước ngọt tự nhiên và hồ thủy lợi, cùng hệ thống thác nước đa dạng, phong phú. Không những vậy, với truyền thống lịch sử anh hùng, Tánh Linh có các căn cứ cách mạng và di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh... Đó không những là tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là tiềm lực để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, hay là du lịch truyền thống, về nguồn, du lịch văn hóa, tâm linh. Vậy nên, Tánh Linh ngày càng có cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
Tiềm năng, lợi thế đã có, nhưng để phát huy hết những thế mạnh ấy, theo Huyện ủy Tánh Linh, trong thời gian tới, địa phương cần phải có các giải pháp đột phá. Trong đó, huyện định hướng và mời gọi thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá ở khu vực xung quanh Thác Bà (xã Đức Thuận), Biển Lạc (xã Gia An); Thác Trượt, thác Đầu Trâu, thác Mưa Bay (xã Đức Phú); Núi Long, hồ Tà Pao (xã Đồng Kho)... Ngoài ra, du lịch truyền thống, về nguồn gắn với Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng (xã Bắc Ruộng), Căn cứ Kháng chiến của Tỉnh ủy Bình Tuy ở khu vực Thác Bà (xã Đức Thuận); Đồi Lồ Ồ (thị trấn Lạc Tánh)… Hay như du lịch văn hóa tâm linh gắn với di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Lạc Tánh và Đình khu phố Chăm (thị trấn Lạc Tánh); khu vực Tà Pao - Núi Bắc (xã Đồng Kho)… Thêm một yếu tố thuận lợi và mang tính thời cơ cho Tánh Linh phát triển mạnh mẽ, đó là địa phương có Trung tâm Thánh mẫu Tà Pao, là điểm hành hương quan trọng của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, địa phương đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để khai thác du lịch và phát triển các loại hình dịch vụ liên quan. Ngoài ra, với tiềm năng sẵn có, huyện miền núi Tánh Linh đang cần được hỗ trợ việc xúc tiến đầu tư, hoặc giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng. Qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội nói chung và du lịch sinh thái nói riêng trong thời gian tới.
Hãy dành thời gian quý báu về Tánh Linh. Bởi nơi đây đang hội tụ đầy đủ các yếu tố mang tính “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” cho phát triển nhanh và bền vững du lịch sinh thái.
Kiều Hằng