Từ nhiều thế kỉ trước, người Lào và người Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông Sêrêpôk để trao đổi, buôn bán hàng hóa với người dân huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam). Người Lào trong quá trình xuôi theo dòng sông Sêrêpôk qua lại trong lưu vực sông Mê Kông để giao thương đã mang theo những nét văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo đến miền đất này.
Biểu diễn dân ca, dân vũ Lào ở Buôn Đôn. Ảnh: Hà Văn Chung
Đến buôn Jang Lành (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn), tôi ghé vào làm lễ bái cây bồ đề hơn trăm tuổi. Theo các bô lão địa phương kể lại, cây bồ đề này do một cao tăng người Lào đem từ Nam Lào sang trồng cách đây hơn thế kỉ. Cạnh cây bồ đề không xa còn sót lại nền gạch vốn là thảo am thờ Phật. Họ kể lại quá trình thiên di rằng: Vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ XIX, có một người đàn ông người Lào tên là Luông Sỹ từ miền Nam nước Lào đến đây lập bản và trở thành trưởng làng đầu tiên.
Theo chân ông, có rất nhiều người Lào từ Pắc Xế (Chăm Pa Sắc). Sau đó, có một vị sư người Lào đã lập một am nhỏ và tu hành. Am thờ Phật được làm bằng gỗ, nhà sàn, mái kiến trúc Lào, rộng khoảng 2x3m, cao 3m, sàn cao 1,5m do bà con buôn Jang Lành đóng góp công sức dựng lên. Dân trong buôn lui tới hương khói, cầu nguyện, trong am thờ rất nhiều tượng Phật bằng đất nung. Cho tới khoảng năm 1960, do chiến tranh loạn lạc nên không thấy các nhà sư trở lại đây truyền đạo nữa. Ngôi thảo am trở nên hoang phế như ngày nay.
Sau khi thảo am sụp đổ, nhiều pho tượng đã bị mất cắp, chỉ còn sót lại hai pho. Một pho được ông cụ tên là Nai Ly đặt thờ dưới cội bồ đề, trải qua năm tháng rêu phong, cây phát triển đã ôm trọn tượng Phật trong ấy. Tượng còn lại do cụ Di Tài (người Lào gốc Hoa) đem về nhà thờ phụng. Khi cụ mất, bức tượng được truyền lại cho người con rể là ông Bun My cho tới ngày nay.
Nhà ông Bun My là một quán ăn ở đầu Khu du lịch cầu treo Buôn Đôn - tại buôn Trí. Ngôi nhà bằng gỗ thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của người Lào, sàn nhà cao, phía dưới sàn dùng làm quán giải khát, phía trên sàn là nơi ở của gia đình, có một gian dành riêng để thờ Phật và thờ gia tiên. Ông tâm sự rằng, tổ tiên là người ở Chăm Pa Sắc, Lào thiên di đến đây. Tuy xa quê hương, nhưng gia đình ông vẫn giữ tín ngưỡng Phật giáo. Thuở nhỏ, ông thường đi theo ông bà đến buôn Jang Lành để lễ Phật.
Theo chân những người dân trong bản, tôi vượt qua nhánh sông Sêrêpôk, vào Vườn quốc gia Yok Đôn không xa, đến chân một con thác gọi là thác Phật, cách Trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn khoảng 8km. Thác Phật được hình thành từ một nhánh của dòng sông Sêrêpôk, chung quanh thác có những phiến đá lớn được dòng nước bào mòn, tạo nên những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt, trải bao năm tháng vẫn giữ được nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Chung quanh thác có nhiều cây cổ thụ càng làm cho cảnh vật thêm phần hoang sơ, huyền bí. Ven bờ thác, cạnh tượng Phật tự nhiên ấy, có một cây đa rất lớn, tán cây che tượng Phật, khiến vùng nước quanh thác luôn mát mẻ, trong xanh. Người đi rừng thường ghé qua lấy nước uống trên đường đi lại.
Tục truyền rằng: Trước đây, có các nhà sư người Lào thường ngược dòng sông Sêrêpôk qua lại khu vực này để truyền bá giáo pháp Đức Thế Tôn. Khi đến đây vào mùa mưa, nước lớn, gặp ghềnh thác hung bạo, thuyền khó đi qua được, các vị dừng chân lại nghỉ, làm lán trại bên bờ sông cạnh thác nước trong một thời gian để làm bè vượt thác. Trong lúc chờ đợi nước rút, các vị sư thường ngồi tham thiền, tụng niệm. Bỗng nhiên, chính giữa ngọn thác này nổi lên một tảng đá lớn, hình thù không khác nào một tượng Phật ngồi kiết già, mặt hướng về hạ nguồn ở phía Tây chắn ngang dòng nước khiến dòng sông trở nên hiền hòa. Dân bản tin rằng, Đức Phật hiển linh nên thường đến thắp hương cầu nguyện, xin sự bình an khi đi qua dòng thác và đã có nhiều sự việc rất linh ứng. Có lẽ, bắt nguồn từ đây, cho nên người dân quanh vùng gọi là thác Phật và xem đây như một biểu tượng thiêng liêng của đời sống tâm linh.
Nghi thức cúng dường chư tăng của người Lào ở Buôn Đôn. Ảnh: Hà Văn Chung
Theo chân Đại đức Thích Hải Định, Trụ trì chùa Hoa Lâm, tôi đến nhà cụ Nai Ký Lào để tìm hiểu về sinh hoạt tín ngưỡng của người Lào nơi đây và nghe cụ tâm sự rằng: Quê tôi ở Pắc Xế, thuở nhỏ, tôi theo ông bà xuôi thuyền qua Buôn Đôn buôn bán. Sau đó, tôi lấy vợ là một cô gái Lào. Lúc bấy giờ, vùng đất buôn Trí, Jang Lành còn hoang dã, nhà cửa rất thưa thớt (mỗi buôn khoảng 10 - 52 nóc nhà). Lúc còn ở quê hương, vừa bước vào tuổi 18, theo phong tục của người Lào, tôi được cha mẹ cho đi tu tại chùa trong 3 năm nên tôi đã hiểu được đạo lý của nhà Phật và thuộc một số kinh Phật.
Ở đây, tôi thường đi lễ Phật tại am thờ ở buôn Jang Lành. Sau này am hỏng, các nhà sư trở về Lào, tôi vẫn thờ Phật trong nhà, với tấm lòng thành kính hướng về Phật, cầu mong Người phù hộ, độ trì cho gia đình bình an, ấm êm, hạnh phúc, đồng thời giáo dục cho con cháu sống đoàn kết, hòa thuận, làm việc thiện như lời Phật dạy. Vài năm gần đây, cũng có một vài nhà sư từ Lào sang thăm, khuyên tôi cố gắng giữ gìn tín ngưỡng thờ Phật và động viên tôi cùng bà con người Lào trong bản nên sớm xây dựng một ngôi chùa để có nơi thờ Phật và tổ chức lễ hội hàng năm, nhưng chúng tôi chưa làm được.
Bên ngoài bỗng vọng vang tiếng trống, tiếng khèn, tiếng đàn hạc lẫn tiếng hò reo của đoàn người rước Lễ té nước Bun Pi May. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đồng bào Lào ở Bản Đôn đều tổ chức Tết năm mới truyền thống. Lễ hội thể hiện sự tôn trọng phong tục văn hóa của đồng bào xa cố quốc Triệu Voi, cũng là hành động thiết thực góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào mà hai nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản đã dày công vun đắp. Bun Pi May là Tết năm mới theo Phật lịch nên từ giai thoại về nguồn gốc cho đến nghi lễ đều liên quan đến Phật giáo Nam Tông.
Lễ hội Bun Pi May của người Lào tại xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn là sự giao thoa văn hóa, tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh văn hóa đa sắc tộc trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk. Hiện, trên địa bàn huyện Buôn Đôn có hơn 250 khẩu là người Lào sinh sống, tập trung chủ yếu tại xã Krông Na. Mỗi dịp Lễ Bun Pi May diễn ra đều nhận được sự hưởng ứng của các bộ tộc khác trong vùng như Ê Đê, M’Nông, Khmer, Gia Rai…, đặc biệt là người Thái, vì là dân tộc có chung nguồn gốc, ngôn ngữ và nét văn hóa tương đồng với người Lào. Sự hưởng ứng đó thể hiện tình đoàn kết đặc biệt của các dân tộc cùng chung sống hòa hợp, gắn bó bên nhau.
Hà Văn Chung