Khánh Hòa: Giải pháp thu hút nhân lực ngành khách sạn

Cập nhật: 22/09/2022
Dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 và 2021. Khi du lịch phục hồi mạnh mẽ trong mùa hè vừa qua, nhiều khách sạn đã lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động. Mới đây, tại Nha Trang, Câu lạc bộ (CLB) Quản lý buồng phòng Việt Nam (thuộc Hội Khách sạn Việt Nam) đã tổ chức hội thảo để tìm kiếm giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực ngành khách sạn.

Thiếu hụt lao động

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện nay, toàn quốc có 35.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng; trong đó Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng… là những địa phương có nhiều phòng lưu trú nhất. Do đó, nhu cầu nhân lực của ngành khách sạn là rất lớn. Theo quy chuẩn của ngành Du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch chưa đạt tỷ lệ lao động như trên. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn Việt Nam cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế. “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhân lực ngành khách sạn bị xáo trộn. Đa phần lao động làm việc trong ngành khách sạn buộc phải chuyển nghề để kiếm sống. Khi du lịch phục hồi, nhiều người cũ chưa quay trở lại, trong khi người mới chưa có kinh nghiệm làm việc nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dịch vụ du lịch trong thời gian gần đây”, bà Bình chia sẻ.

Nhân viên của khách sạn Vinpearl Beach Front đang phục vụ khách du lịch

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch đã có sự tăng trưởng ấn tượng. 8 tháng năm 2022, du lịch nội địa đạt hơn 79,8 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu cả năm 2022 đã đề ra (60 triệu) và gần bằng cả năm 2019 (năm cao kỷ lục của du lịch Việt Nam từ trước đến nay); thị trường khách quốc tế đang dần hồi phục. Ông Nguyễn Quang - Chủ tịch CLB Quản lý buồng phòng Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian ngắn đã khiến ngành khách sạn Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân viên buồng phòng. Những trung tâm du lịch lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân viên buồng phòng trong những ngày cuối tuần.

Nhân viên các khách sạn tham gia thi kỹ năng housekeeping (dọn dẹp buồng phòng) tại hội thảo.

Nhiều việc cần phải làm

Theo dự tính của các chuyên gia du lịch, trong năm 2023, khi đại dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ được khống chế, thị trường du lịch quốc tế sẽ sôi động hơn, đồng nghĩa với việc các khách sạn cần nhiều nhân lực hơn. Chính vì vậy, các khách sạn phải có sự chuẩn bị để tránh rơi vào tình trạng bị động như mùa hè vừa qua. Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Điều hành Hoteljob.vn cho rằng, các khách sạn cần nâng cao đãi ngộ cho bộ phận lễ tân và bộ phận buồng phòng bởi với mức lương 5 - 9 triệu đồng/tháng như hiện nay, chưa đủ để người lao động bám trụ với nghề. Kết quả khảo sát của Hoteljob.vn vào tháng 6-2022 cho thấy, 48% người lao động ngành khách sạn không hài lòng với mức thu nhập hiện tại, 44% nhân lực khách sạn phải làm thêm mới đủ sống… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải cải thiện môi trường làm việc bởi người lao động cần không chỉ là lương mà còn là mối quan hệ trong doanh nghiệp, cơ hội thăng tiến bình đẳng… “Khi chúng tôi đặt câu hỏi điều gì bạn mong muốn cho một công việc mới, 48% nhân lực khách sạn mong muốn luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp thấu hiểu, 20% muốn cơ hội thăng tiến bình đẳng, 11% muốn lương cao hơn… Điều đó cho thấy môi trường làm việc đặc biệt quan trọng trong việc thu hút nhân lực ngành khách sạn”, ông Lê Quốc Việt bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hoàng - Giám đốc Khách sạn Ariyana, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải dành kinh phí để tái đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực. Không thể lấy lý do dịch Covid-19 mà yêu cầu người lao động tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải có gói tài chính để xây dựng chính sách phúc lợi đủ tốt, tạo niềm tin để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài; tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới những người mới tuyển dụng; tổ chức tập huấn để phù hợp với những thị trường khách mới…

Mục tiêu của du lịch Việt Nam phát triển bền vững, trở thành điểm đến đẳng cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Muốn vậy, ngành khách sạn cần kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp; phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị cấp cao; tiêu chuẩn hóa nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực đầu ra. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chủ động tái đào tạo để nâng cao chất lượng, nắm bắt sự chuyển hướng thị trường du lịch để có sự chuẩn bị nhân sự phù hợp. Đặc biệt, các khách sạn cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, triển khai những hoạt động tôn vinh - khen thưởng nhân viên thường xuyên, xây dựng các hoạt động gắn kết trong bộ phận và những chương trình phát triển nhân viên cụ thể để giữ lửa nghề…

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn: Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm 3 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á; nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch cao trên toàn cầu; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Về cơ sở lưu trú: Phấn đấu đạt 1.150.000 - 1.200.000 phòng, công suất sử dụng phòng trung bình đạt khoảng 60%/năm. Đến năm 2030, ngành du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa đất nước tiến vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu và tạo ra 8,5 triệu việc làm.

Xuân Thành

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 21/09/2022