Qua ý kiến đại diện của các sở ngành Thành phố tham gia cuộc giám sát, đã đặt ra một số vấn đề trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đối với 7 di tích khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Cần Giờ cần được đầu tư, bảo tồn và gắn kết với các hoạt động du lịch.
Sáng 21-9, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM có cuộc giám sát UBND huyện Cần Giờ về tình hình thực hiện Nghị quyết 52 của HĐND TPHCM về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình, chủ trì cuộc giám sát.
Đoàn giám sát tham quan tượng đài Liệt sĩ Rừng Sác trong Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Rừng Sác, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ
Cuộc giám sát tiến hành thực địa Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa và Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Rừng Sác, xã Long Hòa.
Các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử của các di tích trên vào công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch. Đặc biệt, với việc bảo vệ, quản lý hiện trạng và di vật lịch sử tại Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, tránh bị xuống cấp, xâm hại, đã giúp ngành bảo tàng và khảo cổ học tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật, đánh giá các giá trị của di sản có giá trị hơn 2.000 năm này.
Là di tích khảo cổ cấp quốc gia được công nhận hơn 20 năm qua nhưng đến nay ngành văn hóa vẫn chưa lập được ban quản lý di tích để phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, lập dự án bảo tồn. Trong đó có việc xác lập ranh đất, giải quyết các vấn đề vướng mắc về sử dụng đất, di dời người dân sinh sống, canh tác trong khu vực di tích.
Hiện vật có niên đại hơn 2.000 năm được khai quật tại Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa
Qua ý kiến đại diện của các sở ngành Thành phố tham gia cuộc giám sát, một số vấn đề trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã đặt ra đối với 7 di tích khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Cần Giờ cần được đầu tư, bảo tồn và gắn kết với các hoạt động du lịch. Đặc biệt là chính sách đầu tư, phát triển ngư nghiệp, đánh bắt xa bờ để ngư dân duy trì và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông với hoạt động du lịch, lễ hội dân gian được tổ chức vào dịp Trung thu hàng năm.
Hoài Nam