Thời điểm này, đến Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi), dù ở cơ quan quân sự hay các đơn vị trực thuộc đóng quân nơi “họng gió”, lên trận địa pháo 37mm hay trên đường tuần tra…, nơi đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh áo lính hòa cùng màu xanh của thiên nhiên trên đảo.
Ảnh minh họa: Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn trồng cây bàng vuông trên đảo. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)
Nhớ lại những năm trước, việc trồng cây trên đảo gặp rất nhiều trở ngại do thời tiết khắc nghiệt, nhiều diện tích trên đồi núi toàn đá, nguồn nước ngọt khan hiếm. Quyết phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn đã đưa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo hằng năm và triển khai thực hiện có nền nếp. Cứ vào đầu năm mới, lực lượng vũ trang huyện phối hợp địa phương đồng loạt ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Trong năm, cán bộ, chiến sĩ bền bỉ ươm cây giống, duy trì xanh hóa doanh trại, tổ chức các đợt ra quân trồng cây gây rừng trên địa bàn. Ở những nơi như núi Thới Lới, bộ đội kiên trì dùng cả xà-beng, búa tạ, ve sắt khoét đá đục hố, đổ đất mùn vào ươm cây, lấy nước ngọt từ ao, hồ đưa lên tưới giáp vòng.
Nhờ vậy, quân và dân trên đảo đã trồng được hàng chục nghìn cây lâu năm có sức sống mãnh liệt như: bàng vuông, phi lao, sanh, sộp, bồ đề, lát hoa... gây dựng hàng chục héc-ta rừng. Mồ hôi người lính âm thầm đổ xuống để “pháo đài thép” Lý Sơn ngày càng được biết đến như một kỳ quan xanh.
Trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 và Đại đội 5, tôi được biết, nhiều lần để tạo ra những hố sâu trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ trên những sườn núi đá, các anh đã phải mất cả buổi người cầm nêm, người cầm búa kiên trì đục đẽo từng tí một. Khi trồng phi lao ở đảo Bé, còn phải thuê tàu để chờ người, phương tiện sang và chở nước ngọt để tưới. Rồi rừng cây xanh tốt đã “trụ” vững trên những mỏm đá núi hay vùng đất trơ cằn, với tỷ lệ cây sống hơn 90%, minh chứng cho tình cảm mãnh liệt của bộ đội coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Ở huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, cây bàng vuông gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ. Thích nghi tốt với nắng gắt, gió biển và sự khốc liệt của nước mặn, bàng vuông trưởng thành thân chắc, dẻo, có tán rộng, ít rụng lá. Mô hình ươm giống bàng vuông được Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn dày công đầu tư từ năm 2011. “Cha đẻ” của giống cây bàng vuông đảo Lý Sơn là Trung tá Nguyễn Văn Đào, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Ban Chỉ huy quân sự huyện.
Nhớ lại những ngày đầu ươm trồng, cặm cụi phơi khô, xới đất gieo hạt, chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì, anh cứ vào ra ngơ ngẩn. Nhưng khoảng 10 tháng sau, đến một ngày, mầm xanh bé tí bỗng mọc lên. “Tôi rất vui sướng khi thấy bàng vuông nảy mầm. Vậy là loài cây gắn liền với thủy binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có thể nhân giống bảo tồn được rồi. Quá trình ươm quả, cần kiên trì tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Điều quan trọng là phải biết cách chọn giống chất lượng cao, bảo đảm cho cây tăng trưởng tốt về sau”, Trung tá Nguyễn Văn Đào, chia sẻ.
Các cụ bô lão trên đảo khẳng định, ba cây bàng vuông đầu tiên tại Lý Sơn là do các bậc tiền hiền lấy về từ Hoàng Sa. Người dân Lý Sơn đã nhiều lần thử ươm nhưng đều thất bại. Kinh nghiệm ươm trồng bàng vuông được bộ đội chia sẻ với đồng đội, người dân, du khách gần xa. Từ vườn ươm này, bộ đội đem cây con trồng dọc các tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện, quanh đảo. Đây cũng là món quà “đặc sản” giàu ý nghĩa được các du khách thập phương tìm kiếm, sưu tầm, mang về nhân giống trong đất liền.
Hiện nay, ở đảo Lý Sơn, loài cây này được trồng không chỉ để chắn sóng, chắn gió, giữ cát, chống xói lở và biển xâm thực, mà còn làm cho vùng biển, đảo thêm lãng mạn, giàu chất thơ hơn.
Thượng tá Hồ Ngọc Hiên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn cho biết: Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác dân vận, thời gian qua, lực lượng vũ trang huyện luôn đi đầu trong thực hiện các phong trào “Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, triển khai nhiều đợt thu gom rác thải, tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên đảo và du khách hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần, không xả rác trực tiếp xuống biển, đặt các thùng rác di động dọc bờ biển, gắn các bảng, biển chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bằng bàn tay, khối óc và tâm huyết của Bộ đội Cụ Hồ ở huyện đảo Lý Sơn đã góp phần làm dịu đi rất nhiều sự khắc nghiệt của vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió, viết nên những bài hát mãi xanh về tình quân dân khăng khít, bền chặt trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đỗ Thị Ngọc Diệp