Gia Lai được gọi vui là “vương quốc” núi lửa. Nơi đây có khoảng hơn 30 miệng núi lửa đều đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Là nghe vậy chứ mấy ai đã biết núi lửa thế nào đâu. Vì vậy, lần này đến thành phố Pleiku công tác, chúng tôi tự nhủ nhất định phải dành thời gian đi xem bằng được.
Tảng nham thạch nặng hai tấn, biểu tượng của núi lửa Chư Đang Ya.
Một buổi sáng se lạnh, bạn rủ uống cà-phê trên một tòa nhà cao tầng, vì từ đó “viu” (view) nhìn ra Biển Hồ cực đẹp. Chúng tôi thong thả thưởng thức vị cà-phê tuyệt ngon của phố núi và ngắm hồ T’nưng mơ màng trong sương, e ấp như một nàng sơn nữ chưa tỉnh giấc nồng.
Bạn chỉ tay phía xa xa: “Núi lửa Chư Đang Ya kia kìa!”.
Chao ôi, ngọn núi lửa nổi tiếng với rất nhiều huyền thoại, đã từng được một tạp chí danh tiếng của Anh bình chọn là một trong 10 núi lửa đẹp nhất hành tinh, chỉ gần thế thôi sao? Như đoán ra tâm trạng của tôi, bạn hỏi: “Anh có muốn leo núi không?” - “Ngay bây giờ ư?” - “Gần lắm, nó chỉ cách Biển Hồ gần 20 cây số, chạy xe máy một hồi là tới”.
Núi lửa Chư Đang Ya nằm trên địa bàn huyện Chư Păh, xã Chư Đang Ya, đi qua làng Ploi Lagri một quãng thì đến chân núi.
Bạn bảo, những tháng cuối năm, con đường này sẽ vàng rực một mầu hoa dã quỳ, loài hoa sơn dã mọc rất nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, trở thành thương hiệu của vùng đất này.
Vào mùa du lịch, người dân địa phương hái hoa, kết thành vòng đội đầu hoặc đeo quanh cổ bán cho du khách. Tháng 11 hằng năm, UBND huyện Chư Păh tổ chức hẳn một lễ hội hoa dã quỳ để thu hút khách du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán phong phú của đồng bào J’rai.
Thấy tôi tặc lưỡi tiếc rẻ vì đến không đúng dịp, bạn an ủi, trượt mùa dã quỳ nhưng vẫn được ngắm hoa dong riềng! Cuối mùa khô, dân làng Ploi Lagri bắt đầu làm đất trồng cây dong riềng, sao cho xuống giống kịp đón những cơn mưa đầu mùa. Chỉ cần mưa xuống đất bazan màu mỡ, những củ dong riềng sẽ bật lên như có phép thần kỳ. Cuối mùa hạ và đầu thu, chính là lúc dong riềng bắt đầu nở hoa.
Khi chúng tôi đến chân núi thì trời đổ mưa lắc rắc. Nhìn lên đỉnh núi chỉ thấy mây mù và một mầu xanh tít tắp. Mưa xuống khiến con đường đất đỏ lên núi trở nên nhão và trơn tuột.
Chung quanh vắng vẻ, vài ba người ngồi trong một quán nhỏ nép bên gốc cây cổ thụ. Thân cây cháy xém một nửa tới tận gốc (nghe nói do bị sét đánh), nhưng vẫn trụ vững và tỏa ra vòm lá xanh. Chúng tôi bỏ giày lại, thuê mỗi người một đôi dép tổ ong giá 20 nghìn đồng bao gồm cả nước rửa chân khi xuống núi.
Cắm cúi leo được một quãng thì đôi chân trở nên nặng như đeo chì vì đất bazan bám vào dép quánh như mật. Cứ đi được một quãng chúng tôi lại phải dừng bước để rũ sạch đất bám quanh chân mới có thể leo tiếp. Mồ hôi túa ra cùng với nước mưa ướt đẫm áo. Đến lưng chừng núi, tôi ngạc nhiên nhận ra một cái cây giống như cây hoa sữa, không cao nhưng tán rộng.
Vì sao loài hoa nổi tiếng ở những con đường đẹp nhất Thủ đô lại có mặt ở nơi này? Ai đã trồng nó và muốn truyền đi thông điệp gì? Trong cuộc sống luôn có những bất ngờ thú vị như vậy. Nhìn xuống quãng đường vừa leo, chỉ thấy bát ngát những thảm cây dong riềng xanh mướt mát.
Từ trong mầu xanh ấy, lập lòe vươn lên những đốm hoa đỏ, như những ngọn lửa mọc ra từ cơn mưa. Bạn bảo, quãng hơn một tháng nữa thôi, nơi đây sẽ trở thành một vùng hoa đỏ, kéo dài đến mùa thu hoạch vào cuối tháng 10, tiếp theo đó sẽ là mùa hoa dã quỳ.
Đường lên núi ngày một dốc hơn, trơn hơn, có nhiều chỗ phải níu vào những cành cây để leo. Bên cạnh những thảm dong riềng, người dân trồng xen kẽ khoai lang, bí đỏ, ngô… Khắp ngọn núi, không một khoảnh đất màu mỡ nào bị bỏ phí.
Chúng tôi dừng chân trên miệng núi lửa Chư Đang Ya, có đôi chút thất vọng. Đó chỉ là một cái phễu lớn, đáy tròn, phủ xanh các loại hoa màu. Lẽ nào đây từng là nơi phun trào những dòng dung nham lên đến hàng nghìn độ? Tôi quyết định men theo những luống khoai lang, tự mình đi xuống đáy phễu.
Từ đây, ngửa mặt nhìn lên bầu trời vần vũ, tôi bất ngờ cảm thấy sự chuyển động mơ hồ dưới chân, sức nóng dường như vẫn còn cuồn cuộn bên dưới miệng núi từ hàng triệu năm trước. Thì ra, nếu muốn đi ngược thời gian để tìm hiểu sức mạnh vĩnh cửu của nó, vẫn cần gạt sự thực dụng lại phía sau để có thể bay trên đôi cánh lãng mạn.
Từ miệng núi lửa, leo thêm một quãng nữa mới tới đỉnh núi. Nơi đây có một bệ đá vuông vức, bên trên khắc dòng chữ mầu vàng: Núi lửa Chư Đang Ya, tọa độ 14008’16” bắc; 108002’48” đông; độ cao 975m. Trên bệ đá có một khối nham thạch khổng lồ, xù xì, nặng khoảng hai tấn.
Được biết, năm 2018, cùng năm núi lửa Chư Đang Ya được tạp chí Daily Mail của nước Anh bình chọn là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh, UBND huyện Chư Păh đã đặt tảng nham thạch có tuổi đời hàng triệu năm lên đây, như biểu tượng của ngọn núi.
Người ta bảo, ai chạm vào tảng nham thạch này nghĩa là đã chinh phục được ngọn núi lửa! Chúng tôi không muốn làm người chinh phục khi chạm vào tảng đá, bởi vì có một điều lớn lao hơn ai cũng ao ước, đó là được chạm vào hàng triệu năm. Từ đỉnh núi này, phóng mắt nhìn bốn phía, bên kia là Biển Hồ, bên này là núi Chư Nâm. Đây đúng là một vùng đất tuyệt vời chờ bạn bè bốn phương đến khám phá vào tất cả các mùa trong năm, mùa nào cũng đẹp!
Bài và ảnh: Việt Khôi