Bến Tre Khai thác du lịch trên nền tài nguyên bản địa, bài 2: Nhận diện du lịch địa phương từ văn hóa bản địa

Cập nhật: 28/09/2022
Theo nhận định của ngành du lịch (DL), sau dịch Covid-19, sản phẩm DL sinh thái của Bến Tre lại rất phù hợp với xu hướng của thị trường DL hiện đại. Điều mà DL tỉnh đang tiếp tục xây dựng đó là mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy cảm xúc.

Du khách trồng dừa nước và bần ven bờ sông Bến Tre.

Trải nghiệm chân thực

Đón chúng tôi tại bến Hàm Luông, tàu DL của Công ty Truyền thông và DL C2T nhanh chóng đưa đoàn trở lại với hành trình trải nghiệm tuyến DL cánh Nam TP. Bến Tre mang tên “Thành phố dưới tán dừa”. Đường tour này đã được công ty đưa vào khai thác một thời gian nhưng vẫn được du khách, nhất là khách nội địa yêu thích. Bởi yếu tố văn hóa bản địa được khai thác và lồng ghép tinh tế, đem lại trải nghiệm chân thực cho du khách.

Giám đốc C2T Võ Văn Phong cùng ê-kíp trực tiếp dẫn khách đi tham quan. Tàu vừa rời bến, Giám đốc C2T đã say sưa dẫn dắt, đưa khách vào câu chuyện của thành phố nhỏ ven sông một cách đầy thu hút. Trước khi đón chúng tôi, đoàn đã trải nghiệm chài tôm trên sông. Thành quả vừa được luộc chín bày sẵn trên bàn trải lá lục bình kèm theo muối ớt dầm trái bần tự làm từ chính những trái bần mà khách vừa hái khi đi dọc bờ sông trước đó.

“Cũng sông nước, rặng dừa ở Bến Tre nhưng chúng tôi muốn đi sâu khai thác các yếu tố văn hóa bản địa tỉ mỉ hơn để giúp du khách có những trải nghiệm tốt hơn. Văn hóa sông nước cùng với trải nghiệm ẩm thực dừa, văn hóa xứ dừa, hành trình trải nghiệm đời sống dưới tán dừa. Đó là đặc trưng riêng của Bến Tre so với những địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long”, Giám đốc C2T Võ Văn Phong chia sẻ.

Cách làm của C2T là thiết kế hành trình trải nghiệm riêng biệt tùy theo từng đoàn khách và gắn sát với nhịp sống thực tế của cộng đồng cư dân nên luôn tạo được sự linh hoạt, mới lạ, cho dù khách có trở lại nhiều lần. “Khách được mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm và xác định điểm chạm cảm xúc để có trải nghiệm thú vị. Tôi muốn đưa yếu tố tái tạo vào trong hoạt động DL và muốn du khách thấy được rằng việc khai thác tài nguyên cần đi liền với tái tạo tài nguyên. Du khách được hái trái bần thì họ cũng nên được trồng cây bần, ăn dừa nước thì trồng được cây dừa nước. Thông qua đó lan tỏa thông điệp DL Bến Tre có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện Đề án Bến Tre Xanh”, Giám đốc C2T Võ Văn Phong cho biết.

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Không dừng lại ở đó, việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa trong DL cũng đã góp phần gìn giữ và lưu truyền lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương. Bên cạnh những đặc sản về ẩm thực địa phương, homestay Út Trinh, ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại còn mang đến cho du khách một dạng đặc sản khác chính là văn hóa bản địa, là trải nghiệm với đời sống cư dân xứ cù lao bốn bề sông nước.

Chị Phạm Thị Trinh (chủ homestay Út Trinh) chia sẻ: “Khi khai thác yếu tố văn hóa bản địa, mình phải tôn trọng hết sức có thể yếu tố bản địa đó và tìm cách tái hiện một cách chính xác cho du khách. Như khi giới thiệu đờn ca tài tử cho khách, thì nhà tôi để tài tử hát thô, hát mộc, không có loa phát, tạo không gian trong ánh đèn dầu dưới mái nhà xưa để khách tận hưởng, cảm nhận được không khí, đời sống trên cù lao. Phương châm, giá trị mà homestay Út Trinh muốn truyền tải là DL gắn với văn hóa bản địa và cộng đồng, vừa liên kết, vừa giữ gìn văn hóa bản địa cho người địa phương”.

Ghi nhận phản hồi của du khách tại các homestay được biết, hầu như khách DL quốc tế và cả khách nội địa đều có phản hồi tốt và cảm thấy hứng thú khi trải nghiệm các đường tour DL khám phá đời sống cư dân địa phương trên các cù lao.

Cùng với câu chuyện của các đơn vị lữ hành DL như C2T, homestay Út Trinh, nhiều đơn vị theo mô hình homestay gắn với DL cộng đồng khác của Bến Tre cũng đang làm rất tốt yếu tố này như homestay Cồn Bà Tư (Bình Đại), homestay Maison du pays de Bến Tre (Giồng Trôm)... Các homestay kiểu mới vừa phục vụ du khách chuyên nghiệp vừa có sự kết nối, tạo mối liên hệ hợp tác với các làng nghề truyền thống địa phương, dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và con người để khai thác DL. Qua đó, giới thiệu cho du khách các nét đẹp, giá trị văn hóa của làng quê sông nước miệt vườn, tạo ấn tượng tốt để khách lưu lại dài ngày và quay lại nhiều lần để trải nghiệm sản phẩm này, giới thiệu cho bạn bè của họ đến.

Chị Aurora (TP. Hồ Chí Minh) khi đến tham quan sản phẩm DL cù lao Tam Hiệp (xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại) đã chia sẻ: “Tôi thấy thích nơi này vì không gian xanh cũng như các hoạt động tương tác với người dân địa phương. Tôi thích dừa nước và món lá sâm vì mới lạ và khá ngon; hoạt động đò chèo trên rạch dừa nước cũng rất yên bình. Người dân ở đây rất thân thiện và vui vẻ, luôn chào đón khách DL”.

Cùng tham gia đoàn các đơn vị lữ hành đến cù lao Tam Hiệp, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Công ty DL ASEV, TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: “Bến Tre rất có tiềm năng phát triển DL thôn quê, DL sinh thái miệt vườn, do phong cảnh còn hoang sơ, hữu tình, con người thân thiện, lại gần TP. Hồ Chí Minh nên không mất nhiều thời gian để đi. Từng làm hướng dẫn viên DL nên 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, tôi đều có đi rồi nhưng Bến Tre để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Đối với cù lao Tam Hiệp, tiềm năng phát triển DL còn rất lớn. Chỉ đi có nửa ngày mà chúng tôi đã thấy hứa hẹn nhiều cung đường, sản phẩm mới có thể thúc đẩy kết nối, đưa du khách đến, góp phần phát triển DL địa phương”.

Việc khai thác giá trị văn hóa bản địa và cho khách những trải nghiệm chân thực đang ngày càng được các điểm DL của Bến Tre quan tâm đầu tư một cách chỉn chu hơn trước. Đây chính là thế mạnh, là điểm nhấn để du khách có thể nhớ đến mình lâu dài và quay trở lại. “Làm cho khách nhớ” cũng chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy DL sinh thái Bến Tre có thể phát triển bền vững hơn.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: Báo Đồng Khởi - baodongkhoi.vn - Đăng ngày 28/09/2022