Gần 130 năm qua, Đà Lạt được tạo dựng, đắp bồi những hệ thống giá trị khác biệt bởi biết bao trí tuệ, tâm sức và cả máu xương của nhiều thế hệ. Nhưng hiện tại, với sự bùng nổ dân số và nhiều vấn đề khác, Đà Lạt đang đứng trước những “vấn nạn đô thị”. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần tập trung trí tuệ, nguồn lực, tâm huyết để điều chỉnh, nắn những dòng thủy lưu tiêu cực giúp mở ra không gian phát triển mới, mở ra những hướng đầu tư phát triển kinh tế, xã hội xứng tầm. Bên cạnh giữ gìn giá trị di sản, bản sắc văn hóa, bảo lưu những dòng hoài niệm đẹp đẽ của một thành phố lãng mạn, độc đáo cũng phải dự báo một cách chính xác, khoa học, mở tầm khai phóng cho sự phát triển đô thị mai sau. Đã đến lúc cần thiết lập và thực thi một hệ thống giải pháp căn cơ để trả lại cho Đà Lạt những gì sang trọng, thanh lịch từng có và kiến tạo những giá trị gia tăng cho tương lai thành phố …
Thử vào trang tìm kiếm Google và gõ hai chữ "Đà Lạt", chỉ chưa đầy một giây, có gần 40 triệu kết quả xuất hiện. Không ai có thể liệt kê hết những khen ngợi, chia sẻ, những kiến giải trách nhiệm, những góp ý chân tình và cả sự chê trách Đà Lạt với tư cách là một đô thị. Nói như vậy, để thấy rằng, nơi chốn này được cộng đồng trong nước và quốc tế hết sức quan tâm. Chính điều đó, bắt buộc Đà Lạt phải tự vấn, tự đối thoại, phản biện chính mình để điều chỉnh những khiếm khuyết và khai phóng tầm nhìn mới, nguồn mỹ cảm mới trên tiến trình phát triển…Có vô số bài học đắt giá về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản trị và giữ gìn bản sắc văn hóa…ở những trung tâm văn hóa du lịch lớn như Sapa khiến chúng ta phải nghiêm khắc nhìn lại nếu không muốn những gì đẹp nhất, lãng mạn nhất của Đà Lạt chỉ tìm thấy trong ký ức hoặc sách báo…! Hành động ngay bây giờ cũng đã là quá muộn.
Nói vậy để không quá ngạc nhiên khi một trận ngập lụt cục bộ đầu tháng 9/2022 vừa rồi tại Đà Lạt lại làm cho dư luận quan tâm đến như vậy. Hầu hết các tờ báo lớn nhỏ, các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài Đà Lạt đều "ngập nước Đà Lạt" với những xót xa, những lời chia sẻ và cả những kiến giải, hiến kế. Có nhiều du khách đã đặt chỗ tại Đà Lạt nghỉ lễ Quốc khánh cũng đành ngậm ngùi tạm hoãn chuyến du lịch vì lo sợ không có thuyền để đi trong những ngày mưa to. Còn bản thân chúng tôi, có hơn 30 năm làm công dân Đà Lạt, được theo dõi hầu hết mọi tiến trình phát triển trong quãng thời gian đó, được trực tiếp thụ hưởng các giá trị và cũng phải chịu ảnh hưởng những "vấn nạn đô thị" trong hơn ba thập niên qua thì không mấy ngạc nhiên.
Nêu lại một chút thông tin cũ như vài dòng nhật ký: Trong trận mưa lớn ngày 1/9/2022, tại Đà Lạt có nhiều điểm ngập lụt mang tính cục bộ ở các tuyến đường và khu phố như Trương Văn Hoàn, Trạng Trình, Ngô Văn Sở, Cách Mạng Tháng Tám…; nhưng điểm gây chú ý nhất là tuyến phố Phan Đình Phùng, đoạn suối Cam Ly chảy qua (thuộc Phường 2). Nó gây chú ý vì đây là một điểm ngập mới và là một trong những khu phố sầm uất ở trung tâm nội ô. Các điểm ngập tại Đà Lạt đều có chung một đặc điểm là nước mưa với lưu lượng lớn đổ ra suối nhưng chảy thoát không kịp, dồn ứ và tràn lên những vùng trũng ven suối. Nhưng chuyện "mưa lớn cực đoan tạo nên những trận ngập lụt cục bộ" như giải thích của các nhà quản lý Thành phố chỉ là cách lý giải từ hiện tượng trực tiếp; vấn đề chính là phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại dẫn đến hậu quả đó? Cách xử lý tức thì là một nhẽ, nhưng giải pháp mang tính bền vững là gì, có căn cơ không? Trong tương lai, nếu hiện tượng ngập cục bộ kéo dài và mở rộng thêm nhiều địa điểm ngập lụt mới và dàn khắp Thành phố thì lúc đó chúng ta nói đó là "cục bộ" hay là "toàn diện"? Đó chính là câu chuyện của định hướng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, của quy hoạch-xây dựng-kiến trúc, của những giải pháp căn cơ cho Đà Lạt mà chuyện ngập chỉ là một trong những hệ quả - những vấn nạn của đô thị cao nguyên này.
Đoạn phố Phan Đình Phùng bị ngập sau một trận mưa lớn
Dự báo và dự phóng các dữ kiện thiếu khoa học. Phá vỡ các quy hoạch. Phát triển thiếu kiểm soát. Cơ chế quản lý không hoàn toàn minh bạch. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh; trật tự đô thị thiếu kỷ cương; ô nhiễm môi trường, nguồn nước và không khí, giao thông ách tắc… và nhiều hệ lụy khác. Đó là một phần cơ bản của hiện trạng Đà Lạt ngày hôm nay. Tuy nhiên, nói một cách khách quan thì đó cũng là thực trạng khá phổ biến ở nhiều đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Trở lại với lịch sử. Sau cuộc thám hiểm lần thứ hai của nhà bác học Alexandre Yersin vào tháng 6 năm 1893, để kiến thiết Đà Lạt, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Dumer đã huy động nhiều nhà kiến trúc tài danh và chính ông giám sát hoạt động xây dựng. Viên toàn quyền tham vọng biến Đà Lạt thành một đô thị mang dáng dấp vùng cao châu Âu. Vào năm 1921, kiến trúc sư người Pháp Ernést Hébrard được giao nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Với ý đồ xây dựng Thành phố thành thủ phủ Đông Dương, tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư này là tập trung các công trình xây dựng quanh các hồ nước. Theo đó, Đà Lạt được bố trí các phân khu chức năng như khu hành chính, quân sự, bệnh viện, trường học, thao trường, đồn điền, khu nhà ở người Âu, người Việt, khu an dưỡng, khu chợ… Sau E.Hébrard còn có thêm đồ án của các kiến trúc sư L.Pino, H.Mondet rồi J.Lagisquet. Đó là những thời kỳ in dấu rõ nhất cho sự hình thành Đà Lạt, một đô thị mang hình bóng Pháp trên cao nguyên trung phần Việt Nam.
Khi nghĩ về Đà Lạt, thường thì dòng hoài niệm ngập tràn. Bởi nói đến thành phố cao nguyên này là nói đến một tiểu vùng khí hậu khác lạ. Ở nơi đó hàm chứa những nét thanh lịch, sang trọng về những giá trị thiên tạo và nhân tạo. Ở nơi đó có những điều kiện và dữ kiện cho việc thiết kế một đô thị hài hòa với tự nhiên. Đà Lạt đã in dấu điều đó trong cảm xúc nhiều người, nhưng thực tế thì đó là những gì đã và đang dần đi qua vì nhiều lẽ. Đà Lạt hiện tại còn giữ được bao nhiêu phần giá trị của một "tiểu Paris" mà các kiến trúc sư đã thể hiện trong các đồ án của thời thuộc địa?
Một thực tế khác, ngay đồ án quy hoạch của J.Lagisquet, đồ án cuối cùng vào năm 1943, cũng chỉ là một quy hoạch của thời quá khứ khi ông chỉ dự phóng mức tăng trưởng dân số của đô thị khoảng 80.000 người. Năm 1975, dân số Đà Lạt đã phát triển đúng như tầm nhìn của bản quy hoạch. Từ 1975 đến nay, số dân đã tăng gần gấp ba mức định lượng theo bản quy hoạch của vị kiến trúc sư này với 232.000 người; đó là chưa kể lượng khách du lịch đến Đà Lạt ngày càng đông, nhất là trong các dịp cao điểm. Trong khi đó, những khiếm khuyết trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương ở nhiều thập kỷ trước đã dẫn đến hệ lụy là ngày nay chúng ta có một hình ảnh Đà Lạt không đúng với kỳ vọng, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát, nhỏ lẻ, vụn vặt…
Với tầm nhìn tương lai, với sự hoạch định phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 409/2002/QĐ-TTg ngày 27/5/2002 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020 và Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014 đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, một nội dung cực kỳ quan trọng là bảo tồn hệ giá trị thiên nhiên của đô thị được mệnh danh là "thành phố trong rừng" và mở rộng biên độ phát triển đô thị Đà Lạt ra nhiều hướng, nhằm giảm tải khu trung tâm đã quá nén chặt, chật chội.
Việc mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới ở nhiều vùng trong thành phố vượt qua tầm kiểm soát
Như đã nói, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Đà Lạt ngày càng đông, các khách sạn, homestay kiểu mới càng nở rộ, các loại hình dịch vụ du lịch trở nên phong phú, đa dạng hơn. Tốc độ phát triển đô thị khiến Đà Lạt không còn vẻ thoáng đạt, hoang sơ, mộng mơ như trước, nhiều công trình cũ không được bảo trì đã xuống cấp.
Trước làn sóng đô thị hóa như cơn bão đổ vào ào ạt, hao hụt nghiêm trọng không gian xanh là điều đã xảy ra. Tại Đà Lạt, do sự buông lỏng quản lý hoặc các lý do khác, rất nhiều dự án đầu tư địa ốc, du lịch, nông nghiệp đã xảy ra sai phạm về sử dụng tài nguyên đất đai và núi rừng. Tại các phường trung tâm và các phường, xã vùng ven, nhiều diện tích rừng và núi đồi bị cạo trọc để thay vào đó là những khối bê tông mọc lên từng ngày; nhiều khu dân cư mới hình thành tự phát. Bê tông hóa khắp Thành phố, nhất là khu trung tâm Thành phố không còn khoảng thở, hệ thống thoát nước quá tải dù đã được nhiều lần cải tạo.
Trong khi đó, vành đai xanh suốt dọc quốc lộ 27C nối từ Khánh Hòa hay quốc lộ 20 nối từ Ninh Thuận lên Đà Lạt cũng bị hao hụt nghiệm trọng tại nhiều lâm phần trong các năm qua mà nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp và xây dựng các khu, điểm du lịch. Do những bất cập trong quản lý, tình trạng phân lô bán nền, xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp đang phổ biến tại thành phố này. Thực trạng tiêu cực đó đã góp phần phá vỡ các quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Trật tự xây dựng lổn nhổn
Một mối lo ngại khác như đã nhắc ở trên, trong những năm gần đây, Đà Lạt phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, kéo theo việc mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới ở nhiều vùng trong thành phố, vượt qua tầm kiểm soát. Diện tích rau, hoa của Đà Lạt khoảng 18.000 ha nhưng đã có đến 10.000 ha nhà kính. Các chuyên gia cảnh báo, đó là một sự lạm dụng cực kỳ nguy hiểm, nhất là những nơi bạt núi, phá rừng làm nhà kính, nhà lưới. Có người cho rằng, nhà kính là vành đai trắng, là "vòng kim cô" bóp nghẹt Đà Lạt. Nhà kính có nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường: Đó là làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến môi trường đất và gây ô nhiễm nguồn nước và... gây ngập lụt. Không gian xanh của nhiều vùng bị phá vỡ, kết cấu địa chất, dòng chảy, thẩm thấu… đều thay đổi theo hướng tiêu cực. Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã mất 90.000 ha rừng. Vào năm 2018, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng, cây xanh nội ô Đà Lạt. Theo đó, chỉ trong vòng 20 năm, diện tích rừng nội ô Thành phố giảm 200 ha, trung bình mỗi năm mất 10 ha là ít nhất; độ che phủ rừng nội ô Đà Lạt đang dưới 45%. Nếu không kiểm soát chặt thì không bao lâu nữa sẽ không còn rừng nội ô Đà Lạt. Hiện nay, khoảng trắng của công trình kiến trúc và nhà kính đã gần như bao chiếm trọn những vùng đất mà cách đây không lâu là rừng…
Lý giải gì về việc ngập lụt? Trước hết, như đã nói, việc thiếu kiểm soát dẫn đến mật độ xây dựng quá cao, nén chặt ở các khu dân cư đã làm cho Đà Lạt thiếu khoảng thở. Trong khi đó, hạ tầng thoát nước không đồng bộ, các dòng suối bị các công trình xây dựng lấn chiếm cả hành lang lẫn dòng chảy, rác thải nông nghiệp và rác thải dân sinh hầu hết bị đẩy xuống cống, xuống suối, làm cho các miệng cống bị bịt và suối bị nghẽn dòng. Nguyên nhân quan trọng khác, chính là mật độ nhà kính quá cao. Về mặt lý thuyết, những vùng đất có nhà kính thì hệ số thấm nước bằng không, có nghĩa là khi mưa đổ xuống với lưu lượng lớn thì nước chỉ rơi trên tấm nylon, không thấm vào đất hạt nào và vì vậy, nước chỉ thoát bằng cách đổ ào ra những con đường, dòng suối gần nhất. Bởi vì chỉ trong thời gian ngắn, dòng suối không thể tải, không chảy kịp, gây ra ngập lụt đột ngột do dòng chảy quá tải.
Ở một khía cạnh khác, hạn hán cục bộ cũng sẽ xảy ra khi nước không thấm vào đất khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt, và vì vậy, chất lượng đất ở nơi đó cũng sẽ suy giảm rất nhanh. Phát triển dày đặc các khối kiến trúc đô thị và nhà kính mà quên đi những quy luật tự nhiên đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái Đà Lạt, thay đổi và biến dạng toàn bộ tiểu vùng khí hậu, khi mà không gian xanh đã ngày càng lùi xa thành phố.
Những nguyên nhân trên đã dẫn tới hậu quả về việc ngập lụt như đã nói. Rồi rõ ràng là Đà Lạt đang thay đổi nhiệt độ, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, không khí. Di chứng cực kỳ nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài là hằng ngày các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp cứ ngấm dần vào lòng đất đô thị cao nguyên… Phải chăng chúng ta đang bất lực đứng nhìn những gì giá trị nhất, tốt đẹp nhất của thiên nhiên Đà Lạt đang dần biến mất… Hãy hành động ngay, đừng để những gì tốt đẹp nhất về Đà Lạt chỉ còn trong ký ức hay trong sách vở, văn chương…
Uông Thái Biểu