Hoàng Su Phì có trên 3.800 ha đất trồng lúa, thì có khoảng 70% diện tích ruộng lúa được người dân thả nuôi cá chép ruộng, bình quân mỗi ha người dân thu được khoảng 40 đến 60kg. Vài năm trở lại đây con cá chép ruộng đã mặc nhiên trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món ăn đặc biệt ở huyện Hoàng Su Phì mỗi dịp mùa vàng. Ở những vùng phát triển du lịch, trải nghiệm bắt cá chép ruộng đã trở thành một đặc sản của ngành công nghiệp không khói.
Có khoảng 70% diện tích ruộng lúa được người dân thả nuôi cá chép ruộng
Cá chép ruộng được những người nông dân huyện Hoàng Su Phì thả sau khi cấy lúa được khoảng một tuần, thức ăn của cá chủ yếu là các loại sâu, trứng sâu sau đó là phấn của hoa lúa và những hạt lúa chín. Thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 3 tháng nên thường con cá không to, chỉ khoảng 2 đầu ngón tay nhưng bù lại thịt cá rất thơm, xương mềm, lại được thu hoạch đúng thời gian lúa chín nhiều thức ăn nên cá rất béo.
Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm bắt cá chép ruộng
Trước đây người dân thả cá chép xuống ruộng nuôi chỉ để làm thức ăn khi thu hoạch lúa, từ khi du lịch của huyện Hoàng Su Phì, cùng với trải nghiệm một ngày làm nông dân thì trải nghiệm tự tay bắt cá chép ruộng trở thành hoạt động du lịch rất được du khách yêu thích. Để tổ chức hoạt động trải nghiệm bắt cá chép ruộng, đơn vị kinh doanh du lịch phải trả cho người dân 100 nghìn đồng mỗi lần vào ruộng bắt cá, cá bắt lên cũng được bán theo giá thị trường từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg, chính vì vậy có những thửa ruộng thu nhập từ cá chép ruộng lại là thu nhập chính cao hơn từ 1 đến 1,5 lần so với thu nhập từ cây lúa.
Cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì, không được bán quanh năm, mà chỉ có trong khoảng 2 tháng trong một năm, người muốn thưởng thức mùi vị đặc trưng của con cá chép ruộng bậc thang cũng phải đến Hoàng Su Phì. Đó là cách để người dân Hoàng Su Phì tự nâng tầm con cá từ đơn thuần thành sản phẩm du lịch ẩm thực có giá trị kinh tế cao.
Đức Long - Hoàng Tính (Hoàng Su Phì)