Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ và nằm trong quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội. Trước và trong hai cuộc kháng chiến, Thái Nguyên là cái nôi cách mạng. Ngày nay, Thái Nguyên được biết đến là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, cần “đánh thức” những tiềm năng này sau thời gian “ngủ đông” khá dài để phát triển một cách chuyên nghiệp, đồng bộ hơn, từ đó định danh cái tên Thái Nguyên trên bản đồ du lịch để thu hút du khách.
Những đồi chè là điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của Thái Nguyên.
Những lợi thế khác biệt
Với lợi thế nằm ở vùng trung du, miền núi phía Bắc nên Thái Nguyên sở hữu điều kiện địa hình, tự nhiên và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Địa hình tự nhiên đã tạo cho Thái Nguyên nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn; khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, phù hợp với việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi để tạo nên nhiều sản phẩm và mô hình nông nghiệp thu hút du khách.
Trong số 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 3 thành phố và 6 huyện), tại Thái Nguyên có hai địa phương sở hữu tiềm năng nổi bật về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch sinh thái, đó là huyện Võ Nhai và Đại Từ. Huyện Võ Nhai sở hữu tiềm năng đa dạng về du lịch sinh thái, tham quan mô hình phát triển kinh tế, vườn cây ăn quả và quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm tại các làng nghề như Làng nghề đậu phụ xã Bình Long, Làng nghề chè Tân Thành; các vườn cây ăn quả như na La Hiên, ổi Phượng Hoàng, bưởi Tràng Xá hay mô hình nuôi cá tầm, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại xóm Mỏ Gà... Còn huyện Đại Từ được biết đến với lợi thế về du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà. Tại hai xã La Bằng, Hoàng Nông có nhiều đồi chè đẹp nhất nhì khu vực phía Bắc với sản phẩm chè ngon nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây là lợi thế nổi trội giúp Đại Từ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp hơn so với các khu vực khác trong tỉnh.
Văn hóa trà là sản phẩm chủ đạo
Thái Nguyên nổi tiếng với đặc sản chè qua câu “Trà Thái, gái Tuyên” đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt. Nhiều thập kỷ qua, Thái Nguyên luôn giữ vững ngôi “Đệ nhất danh trà” với diện tích trồng chè lớn nhất cả nước: 22,7 nghìn hecta, sản lượng đạt 244,5 nghìn tấn. Đây là điều kiện lý tưởng để tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà.
Chia sẻ về lợi thế này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: “Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh. Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao”.
Cũng theo ông Linh, trong những năm qua, hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà tại các xã đã được đầu tư, khai thác, hình thành nên nhiều điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách; góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa...
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Thái Nguyên nói chung và loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng. Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, lý do chính là bởi tình trạng phát triển manh mún, tự phát nhiều năm qua; trong khi gần đây, tỉnh mới bắt đầu quan tâm đến việc phát triển du lịch. Điều đó đã dẫn đến tình trạng các hộ dân tự mày mò xây dựng, điều hành, quản lý mô hình homestay mà không có hướng dẫn cụ thể hay những định hướng chiến lược của tỉnh, khiến việc phát triển du lịch khó đồng bộ, hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp nông thôn, Thái Nguyên cần tổ chức, sắp xếp lại các không gian du lịch; đưa công nghệ thông tin vào xây dựng các “làng thông minh”, điều tra nguyện vọng của các nông hộ, tư vấn sinh kế để làm bật ưu thế sản phẩm của mình. Bà Kiều Oanh cũng nhấn mạnh: “Trà Thái Nguyên phải giữ vị trí hàng đầu trên cả nước và phải trở thành một di sản, một sản phẩm cốt lõi của du lịch thông qua việc làm bật lên những câu chuyện về văn hóa trà, kinh tế trà, công nghệ trà... Chính quyền cần đồng hành cùng người dân, mời gọi các nhà đầu tư và các chuyên gia vào cuộc để rút ngắn thời gian, đích đến cho các hộ dân và địa phương”.
Đề cập đến vấn đề lan tỏa, tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh đồi chè, qua đó khẳng định thương hiệu du lịch Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên hiến kế: “Thái Nguyên cần đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh du lịch của tỉnh, đặc biệt là các đồi chè thơ mộng trên mạng xã hội. Cùng với khung cảnh hoang sơ, tỉnh nên kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu cắm trại (camping), cắm trại cao cấp (glamping) để thu hút nhiều thị trường, phân khúc khách du lịch tại đây; đồng thời tăng cường truyền thông, định vị thương hiệu của tỉnh là không gian văn hóa trà gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn”.
Bài và ảnh: Linh Tâm