Triển khai thực hiện chưa lâu, Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ đã đạt những kết quả ban đầu.
Mục tiêu của dự án là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gắn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời tạo động lực phát triển đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. “Từ nguồn kinh phí của dự án, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức các hoạt động như lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; cấp chiêng và trang phục truyền thống; phục dựng các nghi lễ truyền thống và sưu tầm một số bài chiêng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống để tư liệu hóa làm cơ sở bảo tồn và truyền dạy…”, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thông tin.
Tiết mục giao lưu giữa nghệ sĩ Hàn Quốc và nghệ sĩ Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tại chương trình biểu diễn cồng chiêng "Vũ khúc hữu nghị".
Lắk là một trong bốn huyện được thụ hưởng dự án. Nơi đây có di sản văn hóa phi vật thể như: hát Ót N’rong, dân ca, dân vũ... của đồng bào dân tộc M'nông thường được người dân biểu diễn trong các dịp lễ hội, góp phần phát huy giá trị của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống kinh tế thì vốn văn hóa truyền thống này đang bị tác động biến đổi không nhỏ. Nghệ nhân biết đánh chiêng trên địa bàn đã lớn tuổi nên số lượng ngày càng giảm; không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng bị thu hẹp, một số lễ hội truyền thống có nguy cơ bị mai một, các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang ngày càng ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân... Vì vậy, việc thực hiện các hoạt động trong dự án đã giúp nâng cao nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt là các chủ thể văn hóa về di sản văn hóa cồng chiêng; trang bị kiến thức và kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho những người được truyền dạy; phục dựng nghi lễ để bảo tồn và quảng bá đến khách du lịch…
Tại huyện Lắk, dự án đã cấp một bộ chiêng M’nông cùng 30 bộ trang phục truyền thống; truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ người dân tộc M’nông. Anh Y Nem Ông (buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tại buôn có lớp truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Trước đây, ai muốn học chủ yếu xem các nghệ nhân, người già trong buôn diễn tấu, biểu diễn để học theo. Từ ngày tổ chức lớp dạy chiêng, nhiều bạn trẻ được theo học một cách bài bản, có những em rất đam mê, đến nay các em cũng đã đánh được hai bài chiêng cơ bản. Chúng tôi còn mong muốn được học thêm về nhiều nhạc cụ truyền thống khác ngoài chiêng, để có thể biểu diễn và bảo tồn truyền thống của dân tộc”.
Một trong những nội dung quan trọng trong dự án nói chung và huyện Lắk nói riêng là hoạt động phục dựng Lễ kết nghĩa anh em của người M’nông tại buôn Jiê Juk, xã Đắk Phơi. Nội dung này không chỉ thể hiện nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người M’nông, mà còn tái hiện một phần của không gian văn hóa cồng chiêng, nằm chính trong chiều sâu tâm linh của nghi lễ truyền thống cụ thể và sinh động này. Trước và trong buổi lễ, tiếng chiêng được ngân lên xuyên suốt để chào mừng, để mời các Yàng chứng lễ và phù hộ cho tất cả những người tham gia, cho tình anh em buôn làng hòa thuận. Chị H’Lang Cil (buôn Jiê Juk, xã Đắk Phơi) cho hay, dù sống ở buôn làng từ nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên chị được chứng kiến lễ kết nghĩa anh em theo nghi lễ truyền thống. H’Lang và nhiều anh chị em trong buôn rất vui và chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi lễ. Chị hy vọng mình cùng với bà con buôn làng sẽ giữ gìn và phát huy được văn hoá truyền thống của dân tộc.
Đội chiêng và đội văn nghệ của buôn Jiê Juk, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) diễn tấu mừng lễ kết nghĩa anh em của người M'nông.
Cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, dự án này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh nói chung và các địa bàn được hỗ trợ nói riêng, để Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được lưu giữ bền vững.
Mai Sao