Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng các địa phương

Cập nhật: 03/10/2022
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch, tỉnh đã khai thác tối đa các tiềm năng ở từng địa phương trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thay vì tập trung ở trung tâm du lịch TP Hạ Long, nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách, hình thành điểm đến 4 mùa, khắc phục tính thời vụ.

Hồ Yên Trung (TP Uông Bí) là địa điểm hấp dẫn du khách.

Bên cạnh điểm đến du lịch tâm linh (Khu di tích, danh thắng Yên Tử), thời gian qua TP Uông Bí tập trung đầu tư, xây dựng, quảng bá các khu du lịch sinh thái, như hồ Yên Trung, khu du lịch Khe Song - Thác Bạc, đỉnh Bình Hương, khu du lịch sinh thái Lựng Xanh…

Trong đó, khu vực hồ Yên Trung chỉnh trang, nâng cấp nhiều hạng mục: Hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống nước; cổng, hàng rào, khuôn viên; mở đường, làm bãi đỗ xe cho du khách; xây mới khu vực tiểu cảnh vườn Địa đàng, cầu Tình yêu, lầu Vọng nguyệt và bộ chữ Hồ Yên Trung trên đảo nổi…

Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tự ý san gạt mặt bằng, xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, trông giữ phương tiện không đúng quy định, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến diện mạo, cảnh quan thiên nhiên khu vực xung quanh hồ. 

Du khách vui chơi trên bãi tắm Bái Tử Long TTP (TP Cẩm Phả).

Phát huy những nét văn hóa truyền thống của Vùng mỏ, TP Cẩm Phả đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng: Phố đi bộ “Phố đêm thợ mỏ”;  Quảng trường 12-11; Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai; Bưu điện cũ...

Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu xây dựng kết nối các di tích, khai trường, mỏ... do ngành Than quản lý như: Quảng trường 12-11; Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai; Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề hầm lò; Khu di tích và danh thắng Vũng Đục... để xây dựng sản phẩm du lịch “Than”. Bên cạnh đó, thành phố tập trung khai thác tiềm năng du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm…

Ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu). Ảnh: Nguyễn Dung

Nếu như ở khu vực phía Tây của tỉnh, du lịch tâm linh phát triển mạnh mẽ với nhiều di tích, danh thắng, thì ở khu vực phía Đông lại đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào các dân tộc, vẻ đẹp miền sơn cước, núi non hữu tình. Trong đó, huyện Bình Liêu có đa dạng sản phẩm du lịch gắn liền với đời sống, văn hóa, con người vùng cao, như: Lễ hội Hoa sở, lễ hội Mùa vàng, lễ hội Soóng Cọ… Huyện đẩy mạnh xây dựng, truyền thông, quảng bá các điểm đến hấp dẫn du khách như: Vườn hoa Cao Sơn, cột mốc biên giới, thác Khe Vằn…

Trên địa bàn huyện đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc huyện Bình Liêu. 

9 tháng năm 2022, Bình Liêu đón trên 43.200 lượt du khách, tăng 268,5% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 24.273 triệu đồng, tăng 297,33% so với cùng kỳ năm 2021.

Huyện đang phối hợp với Công ty TNHH Du lịch Authentic Asia và Công ty TNHH Du lịch AnyTrails xây dựng Đề án phát triển du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch quốc tế trên địa bàn, nhằm tạo ra mô hình hoạt động du lịch hiệu quả, bền vững, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, cơ sở vật chất, cảnh quan thiên nhiên, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi ích cho người dân, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu.

Bằng việc xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở những lợi thế riêng có, giờ đây, các địa phương trong tỉnh đều có những điểm đến hấp dẫn du khách, từ đó tăng hấp dẫn cho khu vực trung tâm TP Hạ Long, xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến - đa dịch vụ, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ.

Cao Quỳnh

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Ngày 03/10/2022