UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội cần phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên rừng hiện có. Vì vậy, thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương thực hiện hiêu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho thấy, Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 11.000ha rừng đặc dụng, hơn 5.800ha rừng phòng hộ, 10.332ha rừng sản xuất và đất lâm nghiệp phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây.
Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng trồng tập trung của Hà Nội ước đạt 59ha, giảm 3,51% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 488.000 cây, tăng 1,24% so với cùng kỳ; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 900ha, giảm 1,53% so cùng kỳ; diện tích rừng được khoán bảo vệ đạt 5.040ha, giảm 0,45% so cùng kỳ; gỗ và sản phẩm từ gỗ khai thác đạt 11.177m3, giảm 5% so cùng kỳ...
Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng trồng tập trung của Hà Nội ước đạt 59ha
Cùng với việc đẩy mạnh trồng mới nhiều diện tích rừng, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường công tác bảo vệ diện tích rừng đặc biệt tại những khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh thành lân cận. Cụ thể, rừng của Hà Nội nằm giáp ranh với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Các cấp chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp tốt trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hằng năm, lực lượng kiểm lâm các địa phương khu vực giáp ranh thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung nên vi phạm tại các khu vực này đã được hạn chế...
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đề xuất UBND các tỉnh, thành phố cần có giải pháp quản lý bảo vệ rừng phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký, ngành Kiểm lâm các tỉnh, thành phố chỉ đạo hạt kiểm lâm chủ động tham mưu với UBND cấp huyện, xã và các chủ rừng tổ chức hội nghị thống nhất biện pháp thực hiện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tại nơi giáp ranh. Ngoài ra, tiến tới hoàn thiện quy chế phối hợp xuống tận cấp huyện, xã, thôn, bản để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ.
Lực lượng kiểm lâm các địa phương có diện tích rừng giáp ranh cần tăng cường công tác phối hợp tuần tra, giám sát. Ảnh: Tiến Lâm
Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng độ che phủ rừng từ 5,67% (hiện nay) lên 6,2%; nâng mức thu nhập trên đất lâm nghiệp từ 15 triệu đồng/ha/năm lên 40 triệu đồng/ha/năm.
Thành phố Hà Nội xác định xây dựng ngành Lâm nghiệp Thủ đô trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng Hà Nội.
Thời gian tới, thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở tiến hành giao đất gắn với giao rừng và cắm mốc phân ranh giới 3 loại rừng. Các địa phương có rừng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng; tăng cường năng lực quản lý rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng.
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ 100% giống cây lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng 1-2 mô hình phát triển kinh tế rừng để làm cơ sở nhân rộng. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các sở, ngành thiết lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp cụ thể đến từng lô, khoảnh; xác định rõ ranh giới trên bản đồ cũng như ngoài thực địa để hạn chế lấn chiếm đất rừng và phát triển rừng bền vững…
Bên cạnh đó, thành phố coi đầu tư, phát triển, cải tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời gắn với phát triển du lịch.
Khánh Nam