Bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) có nhiều tiềm năng du lịch đang được thành phố đưa vào khai thác, phát triển với nhiều loại hình đặc sắc. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch đang được thành phố chú trọng triển khai.
Tiềm năng lớn để phát triển du lịch
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà có diện tích 60 km2, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 3.609,3 ha; trong đó rừng đặc dụng là 2.536,7 ha, độ che phủ đạt 58,74%. Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là lá phổi xanh, bức bình phong khổng lồ chắn gió cho thành phố trong mùa mưa bão.
Dựa trên các lợi thế hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, hiện nay bán đảo Sơn Trà có 5 tuyến du lịch, với các điểm dừng chân tham quan như: Chùa Linh Ứng, Đỉnh Bàn Cờ, Cây Đa 100 tuổi, Mũi Nghê, Bãi Cháy, Suối Ôm… Ngoài ra, bán đảo Sơn Trà còn là một địa điểm lý tưởng với các hoạt động vào dịp cuối tuần như: chạy bộ, đạp xe, leo núi, cắm trại…
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, Sơn Trà trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch
Với diện tích phần lớn là đồi núi và rừng, bán đảo Sơn Trà còn là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật. Thực vật tại đây có cả ngàn loài trong đó có 22 loài quý hiếm như dầu lá bóng, chò chai, trâm trường, gụ, ngọc qúi, dẻ … và nhiều loài cây cảnh rất có giá trị. Động vật tại bán đảo có gần 300 loài trong đó có 15 loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, khỉ vàng, trăn gấm, gà mặt đỏ… và đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu – loài quý hiếm đang có nguy cơ tiệt chủng.... đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch sinh thái.
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng tuy nhiên phát triển du lịch tại bán đảo này vẫn có một số khó khăn và bất cập. Với địa hình là đồi núi và rừng, đường xá nơi đây hiểm trở, nhiều đèo dốc; nguy cơ cháy rừng cao vào mùa nắng nóng, nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa.
Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng phấn đấu trở thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) trước năm 2025; đến năm 2030, khu DLQG Sơn Trà sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến đường du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch
Đảm bảo chất lượng môi trường trong phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà là mục tiêu tiên quyết mà các cấp chính quyền của thành phố Đà Nẵng và quận Sơn Trà đặt ra. Trong năm 2022, UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch trồng cây xanh tạo đặc trưng trên báo đảo Sơn Trà với kinh phí 8 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện theo lộ trình từ năm 2022 đến 2025, trong đó tổng chiều dài các tuyến sẽ được trồng cây là 13,146km.
UBND thành phố, Thành đoàn và các tổ chức đã tổ chức hàng trăm chiến dịch thu gom rác thải tại bán đảo Sơn Trà. Trong các chiến dịch đó có thể kể đến chương trình “Clean up Son Tra 2022 – Vì một Sơn Trà Xanh” – chương trình thu hút hàng trăm tình nguyện tham gia vào mỗi tháng. Gần đây, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam đã tặng và triển khai đặt 130 thùng rác tại các điểm du lịch và các tuyến đường của bán đảo Sơn Trà.
Lễ ra quân chương trình “Clean up Son Tra 2022 – Vì một Sơn Trà Xanh
Thời gian qua, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình dọn rác. Cụ thể là tiến hành lắp đặt bảng khuyến cáo, sử dụng loa phóng thanh cố định và di động để tuyên truyền. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng nhắc nhở và vận động giải tán hàng chục trường hợp cắm trại, tổ chức ăn uống, dã ngoại đêm tại bán đảo Sơn Trà.
Ngoài ra, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cũng phối hợp với các lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng, Công an, Quân đội và địa phương trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; xử lý triệt để các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại bán đảo.
Đặng Văn - (Phóng viên tại Đà Nẵng)