Các rạn san hô nằm trong số nhiều hệ sinh thái, bao gồm rừng ngập mặn và đất ngập nước có thể bảo vệ con người.
Chúng hoạt động giống như đê chắn sóng tự nhiên trong cơn bão, giúp làm giảm cường độ hoặc "phá vỡ" những con sóng có thể gây ngập lụt nhà cửa và công trình gần bờ.
Các rạn san hô làm giảm lượng năng lượng của sóng trung bình khoảng 97%. Ảnh: ITN
Theo một phân tích gần đây của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), các rạn san hô giúp bảo vệ nhà cửa của hơn 18.000 người khỏi thiệt hại do lũ lụt gây ra mỗi năm trên nước Mỹ. Nghiên cứu cho thấy các rạn san hô làm giảm lượng năng lượng của sóng trung bình khoảng 97%, tương tự như cách một gờ giảm tốc làm chậm ô tô. Những con sóng có ít năng lượng sẽ nhỏ hơn và chậm hơn và không gây nhiều thiệt hại khi đến bờ biển.
Nếu các rạn san hô ở Mỹ mất đi 1 mét chiều cao, thì khu vực đó ở Mỹ sẽ rộng thêm 104 km vuông, khiến khoảng 51.000 người nữa có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ ngập lụt. Các tác giả của nghiên cứu Nature viết: "Những thiệt hại này có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt chỉ trong vài năm tới mức không lường trước được".
Vấn đề nằm ở chỗ, các rạn san hô đang chết dần và cần phải được khôi phục lại. Cùng với dịch bệnh và ô nhiễm, biến đổi khí hậu đã xóa sổ một nửa số rạn san hô trên thế giới. Vì vậy, để bảo vệ các thành phố ven biển, con người cũng cần bảo vệ và phục hồi các rạn san hô.
Hải Thanh (T/h)