Nhằm nâng cao cảnh giác về vấn đề rác thải, chủ đề chính tại Tuần lễ Thiết kế Singapore năm nay xoay quanh thông điệp tái sử dụng và tái chế.
Trong suốt 10 ngày liên tục kết thúc vào chủ nhật vừa qua, Tuần lễ Thiết kế Singapore đã đón nhận nhiều tác phẩm sáng tạo, được thực hiện từ nhiều loại nguyên liệu độc đáo và kỳ lạ nhằm truyền tải thông điệp về việc cắt giảm lượng rác thải hoặc tái sử dụng, tái chế chúng nếu có thể. Dưới đây là 7 sản phẩm đáng chú ý bậc nhất trong tuần lễ này.
Phụ kiện làm từ phân bò
(Ảnh: Design Fair Asia/Marc Tan)
Dù là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, phân bò cũng có thể đồng thời là một loại nguyên liệu phục vụ cho đời sống của con người. Một nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu là Nugraha – giáo viên và nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bandung đã phát minh quy trình làm sạch và loại bỏ mùi hôi của phân bò, sau đó kết hợp chúng với nhựa cùng keo dán gỗ để tạo thành các sản phẩm gia dụng quen thuộc như đèn, ghế đẩu, loa…
Đèn làm từ ống máy giặt
(Ảnh: I Am Not David Lee studio)
David Lee – nhà thiết kế người Singapore đã biến các ống dẫn của máy giặt thành đèn sàn, đèn bàn và đèn trần với vẻ ngoài nổi bật bằng cách lắp các dải LED vào ống mềm, sau đó uốn chúng thành những hình dạng độc đáo.
Đồ nội thất bằng nhựa phế thải
(Ảnh: National Design Center)
Nhận ra rằng doanh nghiệp của mình vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của vấn đề ô nhiễm trên đảo Bali, Indonesia, chủ một câu lạc bộ bãi biển và khách sạn nổi tiếng đã thực hiện nhiệm vụ “không chất thải” trong vòng 6 năm. Ông làm việc với nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế và công ty kiến trúc để đánh giá lại hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo ra quy trình giúp giảm lượng rác thải, tái chế chúng thành ô che nắng hay ghế…. Quá trình đáng ghi nhận này của ông đã được đưa ra trưng bày tại Tuần lễ Thiết kế Singapore năm nay.
Thảm lông chó
(Ảnh: Singapore Design Week)
Theo nhà thiết kế Cynthia Chan, trung bình mỗi ngày, các dịch vụ cắt tỉa lông chó ở Singapore thu được khoảng gần 1kg lông. Thay vì để nó lãng phí, một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đã sử dụng nhiều kỹ thuật để biến những sợi lông thừa thành những tấm thảm có thể sử dụng trong gia đình.
Mùn cưa “dẻo”
(Ảnh: AIEVL Design Studio)
Nhà thiết kế người Indonesia Denny R.Priyatna đã sử dụng khoảng trưng bày của mình để giới thiệu một bộ bàn ghế được làm bằng kỹ thuật dệt và chạm khắc truyền thống. Tuy nhiên, điều ấn tượng không kém tác phẩm này là cách mà Denny xử lý đống mùn cưa còn sót lại. Anh đã trộn chúng với một lượng nhỏ chất kết dính để làm thành ống đựng bút, lọ hoa…
Bộ bàn ghế làm từ giấy vụn và bã cà phê
(Ảnh: Phuong Dao)
Bị bó buộc bởi đại dịch, Phương Đào – nhà thiết kế người Việt Nam đã dành sự chú ý của mình tới những vật liệu quen thuộc tưởng chừng như vô dụng xung quanh, bao gồm giấy báo vụn, bìa cứng và bã cà phê. Khi được nén và kết hợp với chất liệu dính, hỗn hợp này có thể được sử dụng để tạo thành những món đồ nội thất chắc chắn như bàn hay ghế.
Mai Linh (theo CNN)