Australia dành 30% diện tích để bảo tồn thiên nhiên

Cập nhật: 05/10/2022
Trong nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật đặc hữu trên thế giới, Australia sẽ dành ít nhất 30% diện tích đất cho việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Chính phủ Australia công bố kế hoạch 10 năm để nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng 110 loài được ưu tiên và bảo vệ 20 địa danh ưu tiên trước nguy cơ tiếp tục suy thoái. Australia đã đưa loài chuột túi wallaby và rắn ráo trâu (grey snake) vào nhóm 15 loài động vật bị đe dọa nhân dịp triển khai kế hoạch ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng một số loài động vật hoang dã độc đáo của nước này.

Trong bản báo cáo do Chính phủ Australia công bố hồi tháng 7, nước này đã mất nhiều loài động vật có vú hơn bất kỳ châu lục nào khác và là một trong những quốc gia có tốc độ suy giảm loài nghiêm trọng nhất trong số các nước giàu nhất thế giới. Nguyên nhân được cho là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự xâm phạm của con người vào môi trường sống của chúng.

Australia đang nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng động vật hoang dã tại quốc gia này

Các vụ cháy rừng dữ dội xảy ra vào mùa Hè 2020 và 2021 đã thiêu rụi 5,8 triệu ha đất ở miền Đông Australia, khiến từ 1-3 triệu động vật hoang dã chết hoặc phải di dời đến nơi khác. Các nhà khoa học ước tính chi phí ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng tại Australia sẽ rơi vào khoảng 1,69 tỷ AUD (1 tỷ USD)/ năm.

Đầu năm nay, Chính phủ Australia cam kết chi 50 triệu AUD (30 triệu USD) trong 4 năm tới cho việc bảo tồn loài gấu koala thông qua các hoạt động phục hồi môi trường sống, giám sát quần thể và nghiên cứu sức khỏe.

Gấu koala là loài vật biểu tượng của Australia đang phải đối mặt với tình trạng bị mất đi môi trường sống do việc khai khẩn đất đai cho trồng trọt và phát triển đô thị, đặc biệt tại các bang New South Wales (NSW), Vùng Lãnh thổ Thủ đô ACT và bang Queensland, nơi gấu koala được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao trong trung hạn. Ước tính có tới 1/3 số gấu koala ở bang NSW, khoảng 10.000 con, đã chết trong trận cháy rừng mùa Hè 2019-2020 và các đợt hạn hán trước đó.

Minh Vân

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 05/10/2022