Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 43 điểm du lịch tiêu biểu vừa được công nhận, phần lớn trong số đó là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Du khách tham quan Làng nổi Tân Lập (tỉnh Long An)
Tạo sự khác biệt
Ông Trần Đạt Duy (nguyên chuyên gia du lịch ĐBSCL, hiện ở Australia) cho biết, nhiều năm trước, các tỉnh, thành ĐBSCL đã bàn việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Mục tiêu là kết nối nhiều tỉnh, thành tạo thành các tuyến tham quan với sự khác biệt nhất định. Nhưng kết quả không được như kỳ vọng, mạnh ai nấy làm và đều không thành công.
Nguyên nhân chính là sản phẩm du lịch trùng lắp, du khách chỉ cần đi một điểm thì gần như đã biết tất cả. Nói là du lịch sinh thái miệt vườn, hay du lịch nông nghiệp, nhưng thực tế là tỉnh, thành nào cũng chỉ khoanh vùng vài khu đất, nạo vét kênh, cất chòi tranh vách lá, cho vài chiếc xuồng vô. Du khách tới thì xuống xuồng đi loanh quanh rồi lên bờ ăn uống và ra về. Cả vùng ĐBSCL đều làm du lịch sinh thái miệt vườn theo đúng một mô hình nên không có sức hấp dẫn riêng của từng nơi.
Nhưng đó là chuyện trước kia. Còn vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành ĐBSCL, tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang… đã bắt tay vào đầu tư nhiều khu du lịch sinh thái thuần chất nông nghiệp/nông thôn rất đặc sắc.
Sự khác biệt được chủ đầu tư các khu du lịch sinh thái chăm chút từ chi tiết nhỏ nhất. Vùng Phong Điền (Cần Thơ) thì nổi tiếng với bánh khéo, trái cây theo mùa, sông nước hữu tình, các tiểu cảnh tái hiện đời sống Nam bộ xưa. Vùng Tiền Giang, Vĩnh Long thì tái hiện những lối đi trồng hoa mười giờ, tái hiện cảnh đặt vó trên kênh, cảnh đặt lờ bắt cá lúc bình minh ló dạng. Vùng Đồng Tháp nổi tiếng với những vườn hoa, những đầm sen khoe sắc bốn mùa để du khách tha hồ check-in, chụp ảnh…
Không đơn thuần là tạo ra điểm tham quan, chụp ảnh, hái trái cây, ăn cá đồng, mà nhiều khu du lịch còn bố trí không gian cho du khách tận tay trồng rau cải, thu hoạch trái cây, thậm chí lội đồng cấy lúa… Chị Huỳnh Thanh Trúc, hướng dẫn viên du lịch làm việc tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, du lịch miền Tây Nam bộ bây giờ có rất nhiều lựa chọn. Du khách di chuyển cự ly gần, chỉ cần thời gian một ngày với chi phí khá mềm là có thể tham quan, ăn uống, vui chơi, thư giãn thoải mái. “Giá vé vào cổng các khu du lịch phổ biến chỉ từ 30.000-50.000 đồng/người, ăn uống cũng chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/người, cho nên không cần phải khá giả, chỉ cần có thời gian là gia đình hoặc nhóm bạn sẽ có thể thoải mái quảy ba lô lên mà đi”, chị Trúc nói vui.
Ưu tiên sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng, từ sự bùng nổ tăng trưởng du lịch ở Phú Quốc, có thể thấy vai trò đầu tư hạ tầng nói chung, hạ tầng du lịch nói riêng của Nhà nước chính là nền tảng và động lực để phát triển. Nếu Phú Quốc không có đường sá, sân bay, cảng biển, điện lưới quốc gia… thì chắc chắn du lịch sẽ không thể phát triển như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, cho biết, tỉnh Long An sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour/tuyến, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An.
Du khách nước ngoài tham quan vườn mít ở tỉnh Đồng Tháp
ThS Phan Thị Khánh Đoan, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang, cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đang là một trong các ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, nếu phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch mà thiếu quy hoạch đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai.
Theo ThS Phan Thị Khánh Đoan, để tránh tình trạng du lịch ĐBSCL phát triển nóng theo kiểu “sớm nở, tối tàn”, manh mún, thì các tỉnh, thành nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng cần ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. Bảo tồn có hiệu quả các không gian văn hóa mang tính khu biệt của cộng đồng dân cư. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Quốc Bình - Ngọc Phúc