Hà Giang: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch

Cập nhật: 05/10/2022
Đó là mục tiêu lâu dài mà huyện Quang Bình đang hướng đến nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch nông thôn, thúc đẩy cả hai lĩnh vực phát triển song song, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Thông qua các chương trình, dự án được đầu tư, ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đã có nhiều khởi sắc. Từ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các hộ dân mạnh dạn chuyển sang tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị và từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Với triển vọng đó, huyện đã xây dựng từng lộ trình, giải pháp thực hiện mục tiêu “kép” về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc trưng và ưu tiên cho loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm.

Giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Tân Nam (Quang Bình) với du khách.

Tính đến nay, huyện có 10 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác và 1 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm gồm: Chè, cam, gạo, nuôi trâu, bò, gà, thủy sản và gỗ ván bóc. Ngoài ra, huyện phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trồng và tiêu thụ ngô sinh khối, khoai tây, bí xanh, dưa bao tử, khảo sát thực hiện mô hình liên kết trồng cây gai xanh, sâm đất. Giai đoạn 2019 - 2021, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP và trong năm 2022 có 16 sản phẩm đăng ký tham gia thi phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có những sản phẩm cam, chè, thịt mắm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Bên cạnh lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Quang Bình được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có các làng văn hóa du lịch cộng đồng của dân tộc Tày, Pà Thẻn; lòng hồ sinh thái sông Chừng, sông Bạc; hang động Bó Mỳ ở thôn Khun, xã Bằng Lang nhiều nhũ đá đẹp mắt, lung linh sắc màu. Đặc biệt, có Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2012, mang đậm nét tâm linh huyền bí, minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Với sức hấp dẫn đó, ngay khi mở cửa du lịch sau đại dịch Covid-19, huyện đã đón trên 30.800 du khách đến tham quan, khám phá.

Phụ nữ La Chí trình diễn nghề dệt vải truyền thống trong Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn huyện Quang Bình năm 2022.

Tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ của Lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn, ngoài đa dạng các hoạt động diễn ra như: Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện sông Chừng; trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống các dân tộc; liên hoan các câu lạc bộ sở thích; tổ chức tour du lịch trải nghiệm cho du khách tại các làng văn hóa, huyện đã đan xen xây dựng các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 15 xã, thị trấn. Anh Nguyễn Ngọc Hà, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến huyện Quang Bình chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, trải nghiệm văn hóa các dân tộc, thưởng thức những món ăn ngon, mang hương vị đồng quê, mua đặc sản về làm quà cho người thân. Tôi thấy mọi thứ rất ấn tượng, thú vị, người dân đôn hậu, hiền lành, hiếu khách, nhất định lần sau tôi sẽ trở lại nơi đây”.

Hiện nay, cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục chú trọng xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp mang đậm nét văn hóa mảnh đất phía Tây của tỉnh. Đồng thời, quan tâm củng cố một số hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản để làm nền tảng liên kết với các tour du lịch nông nghiệp. Đi đôi với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ du lịch, tạo đà vững chắc cho cả hai lĩnh vực, góp phần phát triển KT - XH của địa phương trong những năm tới - Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định.

Bài, ảnh: Mộc Lan

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 5/10/2022