Đưa di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Cập nhật: 06/10/2022
Ngày 5/10, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ Khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế tại phường Hương Vân, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở ban ngành và các nhân chứng lịch sử.

Theo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được khởi công vào tháng 8/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt. Tại địa đạo này đã từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên Huế, đưa ra nhiều quyết sách quyết định đến các trận đánh lớn trên chiến trường Trị Thiên, đặc biệt là thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968.

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 310/QĐ-BT xếp hạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế.

Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện một số hiện vật như: Bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp... Đây là những hiện vật đặc biệt có giá trị lịch sử đã minh chứng cho những ngày hoạt động của cán bộ và chiến sĩ của ta tại đây.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án bảo tồn, phát huy Khu chứng tích, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục: Tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; Phục dựng, tôn tạo 1 bếp Hoàng Cầm của Huyện ủy Hương Trà; Phục dựng, tôn tạo 2 hầm cảnh vệ số 1 và số 3 diện tích mỗi hầm khoảng 3m2. Xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh theo nguyên trạng;

Bếp Hoàng Cầm được phục dựng, tôn tạo.

Bên cạnh đó, xây dựng mới nhà bia tưởng niệm; dựng bia đá tự nhiên nguyên khối, khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích; Xây dựng chòi nghỉ dừng chân diện tích khoảng 44m2; Xây dựng mới cầu tàu kích; Lắp cột thủy chí bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn; xây dựng đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm dài khoảng 472m; Trang bị hệ thống PCCC, bể nước ngầm và hệ thống chống sét.

Sau thời gian nỗ lực thi công, đến nay việc tu bổ, tôn tạo di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế hoàn thành đã đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện các sở ban ngành và các nhân chứng lịch sử tham dự tại buổi lễ khánh thành.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tu bổ, tôn tạo di tích là bước đi quan trọng và có tính định hướng trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử của địa phương. Trong thời gian tới, Sở VHTT yêu cầu Bảo tàng Lịch sử tỉnh là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị di tích phối hợp với các ban ngành, đơn vị hữu quan tiếp tục xây dựng, đề xuất các phương án để phát huy hơn nữa giá trị của di tích, xây dựng nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đây là đợt tu bổ, tôn tạo di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế bài bản nhất, hy vọng sẽ là điểm đến di tích lịch sử, đóng góp thêm một địa chỉ đỏ cho vùng đất mang nhiều sứ mệnh lịch sử. Tại lễ khánh thành, ông Phương cũng đề nghị Sở VHTT, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tiếp tục quảng bá cho du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế biết đến di tích này. Ngoài ra, việc tu bổ, tôn tạo này chỉ là bước đầu, cần có những đề xuất để tiếp tục tu bổ hoàn chỉnh hơn nữa.

Một số hình ảnh được ghi nhận:

Con đường được xây dựng dẫn lên Di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế.

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nằm trên triền dốc 2/3 của đồi 160.

Địa đạo có hình chữ Y, tổng chiều dài hơn 100m gồm có 3 cửa ra vào, các cửa này hiện đã được tu bổ, phục hồi.

Bếp Hoàng Cầm của Huyện ủy Hương Trà được phục dựng, tôn tạo.

Hệ thống giao thông hào bao quanh địa đạo được xây dựng lại theo nguyên trạng.

Chòi nghỉ dừng chân diện tích khoảng 44m2 ở lưng chừng đồi.

Nhà bia tưởng niệm với bia đá tự nhiên nguyên khối.

Lê Chung

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 05/10/2022