Tọa lạc tại khu phố 4, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành, Bình Phước ngày nay có một ngôi đình rất nổi tiếng với lịch sử hình thành và phát triển gần 200 năm. Một trong những ngôi đình được đánh giá là cổ nhất ở Bình Phước. Đó là đình thần Hưng Long. Ngôi đình đánh dấu thời kỳ “khai sơn, phá thạch” và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt trên đất Bình Phước.
Nằm cạnh quốc lộ 13, giữa trung tâm thị xã Chơn Thành, nơi phát triển sôi động của hệ thống nhà máy, xí nghiệp, đình thần Hưng Long vẫn giản dị với thời gian bởi lối kiến trúc hiếm có, cổ xưa và mộc mạc. Đình thần có niên đại cách nay gần 200 năm, là minh chứng cho một thời mở cõi ở vùng đất Chơn Thành. Theo năm tháng, ngôi đình đã đồng hành, chứng kiến tất cả những thăng trầm của địa phương, một nét đẹp trong đời sống tâm linh của cư dân Chơn Thành, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.
Ông Ngô Tấn Bông, Hậu hiền, Trưởng ban quản lý đình thần Hưng Long cho biết: “Đình được xây dựng từ thời thành lập làng Chơn Thành, khoảng năm 1850. Ngày xưa đình là một thiết chế văn hóa, cứ thành lập làng là phải có đình. Đình là nơi để bà con đến hội họp, thảo luận, phân xử, phán xét và có thể thay thế 1 trụ sở chính quyền bây giờ. Do hoàn cảnh lúc đó, đình chỉ được xây dựng là nhà tranh vách đất chứ không kiên cố như hiện nay. Sau này, khi kinh tế ổn định, đình mới được đầu tư xây dựng”.
Đình thần Hưng Long đã được công nhận và Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004
Vùng đất Chơn Thành dưới triều vua Gia Long thuộc trấn Biên Hòa rộng lớn. Nơi đây vốn là vùng rừng núi hoang sơ, ít người biết đến. Khoảng đầu thế kỷ XIX, cư dân các vùng bắt đầu tìm đến định cư, xây dựng cuộc sống mới. Cùng với quá trình khai hoang lập làng, đình chùa, miếu mạo cũng được xây dựng, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, nơi tôn vinh, thờ cúng các vị tiền hiền đã có công khai sơn, giúp nhân dân sinh cơ, lập nghiệp.
Khác với những ngôi đình trong vùng, đình thần Hưng Long được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, gồm tòa hậu cung và tòa đại bái tách biệt. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình thần Hưng Long vẫn giữ lối kiến trúc, bài trí riêng của đình làng xưa. Giữa sân đình, bức bình phong phía trước thờ ông hổ, phía sau là thần nông như một thông điệp về tín ngưỡng của Việt lúc bấy giờ.
Ông Ngô Tấn Bông cho biết: “Thời xưa rừng thiêng nước độc, người dân đi rừng rất sợ hổ. Tuy nhiên, với quan niệm hổ phù hộ và giữ bình yên cho mình đi rừng; thần nông giúp đem đến cơm no áo ấm, lúa gạo nên trong các ngôi đình, ngoài thờ thần Thành hoàng còn thờ thần hổ, thần nông. Bức bình phong cũng là để che chắn những điều không hay, vừa tạo sự kín đáo cho các công trình, hoạt động phía trong đình”.
Cột kèo trên mái đình được thiết kế độc đáo, mang đậm dấu ấn đình làng xưa của người Việt
Theo thông lệ hằng năm, đình thần Hưng Long thường tổ chức các lễ Khai sơn, lễ hội Kỳ yên, lễ hội Cầu bông, rước thần. Các lễ hội được tổ chức với mục đích cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, dân làng được yên ổn để tăng gia sản xuất, nhà nhà yên vui.
Một nghi thức trong lễ hội Cầu bông ở đình thần Hưng Long
Bên cạnh nghi lễ, phần hội là dịp để mọi người gặp gỡ, gửi gắm những tâm tư, tình cảm cầu cho một năm mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Đây cũng là nơi để con cháu các thế hệ tìm về, tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công lập làng, mở cõi, xây dựng nên vùng đất Chơn Thành trù phú ngày nay.
Đình thần Hưng Long là nơi con cháu các thế hệ tìm về, tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công lập làng, mở cõi vùng đất Chơn Thành ngày nay
Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, lễ hội Cầu bông của người Việt ở đình thần Hưng Long nói riêng và một số huyện nói chung vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành biểu tượng, niềm tự hào của cư dân thị xã Chơn Thành.
Lễ hội Cầu bông ở đình thần Hưng Long và một số đình thần khác trên địa bàn các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Đăng và thị xã Bình Long vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
“Giữa thị trấn sầm uất ở một huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh tồn tại một ngôi đền cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa hết sức đặc sắc, được ví như một nốt trầm giúp cân bằng cuộc sống. Đến với đình ta như được chút bỏ hết mọi bộn bề của cuộc sống, tìm lại cảm giác an yên, thư thái trong tâm hồn” - chị Nguyễn Thị Hà, người dân phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chia sẻ. Và cũng bởi những giá trị lịch sử to lớn của ngôi đình, đình thần Hưng Long đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004. Một nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng của người Việt trên đất Bình Phước.
Minh Luận - Minh Chí