Để phát triển kinh tế bền vững, Đắk Lắk cần định hướng đầu tư thế mạnh nông nghiệp, với hàng hóa nông sản ngày càng tăng giá trị để xuất khẩu.
Sự hình thành các đô thị nông sản, cơ sở cho chiến lược phát triển này, rất cần được địa phương thúc đẩy. Điều độc đáo mà Đắk Lắk phải nghĩ đến, là sau thế mạnh đầu tư này, một cánh cửa cơ hội mới sẽ mở ra: lĩnh vực du lịch của Đắk Lắk sẽ “hoàn toàn nâng cấp”!
Theo các chuyên gia tư vấn du lịch, thực chất cơ hội phát triển du lịch ở các vùng miền luôn phải gắn chặt với các sản phẩm đặc thù, bền vững của địa phương. Bài học từ các tỉnh thành phát triển du lịch bề nổi, tìm kiếm số lượng du khách đông hơn là đầu tư du lịch trải nghiệm có chất lượng, sau đại dịch COVID-19 đã lộ rõ. Phải làm sao để du khách tới từng điểm đến, phải thu hoạch, tiếp nạp được cái gì mới mẻ, bổ ích mới có thể níu giữ họ quay lại và định hình dòng chảy du lịch bền vững.
Đi tìm du khách chất lượng
Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung đã có một giai đoạn bùng nổ du lịch đến mức gây ngạc nhiên với tất cả, nhưng cho đến nay, bắt đầu phải suy xét lại thực lực để điều chỉnh, cải thiện môi trường du lịch bền vững, nếu không muốn mũi nhọn du lịch biến thành lực cản phát triển.
Bài học của thành phố này, là giai đoạn đầu tiên, dựa vào lượng du khách đông đảo đổ về, từ nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc…, qua đó phát triển hệ thống các điểm đến, tour/tuyến đủ sức tiếp nhận đông người nhưng lại thiếu đi những giá trị trải nghiệm chất lượng. Khi các tour/tuyến địa phương chỉ đạt con số “ồn ào”, thậm chí làm mệt mỏi du khách với tần suất đi lại dày đặc mà cơ hội thưởng thức, trải nghiệm hứng thú ở từng điểm đến bị xem nhẹ, dần dần lượng khách lớn đã bỏ đi. Thay vào đó, du lịch địa phương cần tính đến những nguồn khách chọn lọc, có yêu cầu trải nghiệm sâu sắc tại các điểm đến, những nhóm du khách tìm hiểu văn hóa bản địa, sản phẩm đặc thù. Kết quả, khi không có sản phẩm đáp ứng những yêu cầu này, du lịch Đà Nẵng bắt đầu chững lại.
Đến nay, du lịch Đà Nẵng đang phải thay đổi, đầu tư kỹ hơn vào những mảng du lịch chọn lọc, có tiêu chí cụ thể, như du lịch golf, du lịch M.I.C.E, và các nhóm du khách “có chủ đề” từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông…
Du lịch Đắk Lắk, trong xu thế vận động chung của cả nước sau đại dịch, rất cần nhận diện rõ vấn đề này để tránh “dẫm” vào những bước chân của tỉnh thành đi trước, tiếp nạp khôn khéo hơn những yêu cầu, định hướng du lịch mới và thông minh hơn. Đó là phải tìm ra các sản phẩm, năng lực du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có kịch bản đầy đủ cho địa phương, qua đó giới thiệu với du khách và khơi gợi sự tò mò, ham thích của họ. Việc này đồng nghĩa với yêu cầu phải tìm ra những đối tượng du khách chất lượng hơn.
Du khách tham quan vườn sầu riêng ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc). Ảnh: Minh Thuận
Du lịch nông sản, con đường mới?
Điều dễ thấy là khi Đắk Lắk đầu tư vào kinh tế nông sản, sẽ hình thành các đô thị đầu mối để đẩy mạnh lợi thế này. TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, các huyện Buôn Đôn, Lắk… sẽ không chỉ đơn giản là nơi tập trung đông thị dân, tăng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, mà còn phải là những điểm hẹn giới thiệu các nông sản chất lượng, khởi đề cho các kịch bản xuất khẩu hàng hóa tốt hơn. Những thương hiệu nông sản ca cao, sầu riêng, cà phê… khi trình bày thành công ở các đô thị bản địa, sẽ là minh chứng mạnh mẽ để mở rộng đường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch, tăng gấp nhiều lần giá trị…
Điểm quan trọng là, khi du khách đến với một đô thị nông sản, họ sẽ trải nghiệm được thực chất những giá trị cơ hữu của địa phương. Đây chính là vấn đề mấu chốt để người ta hiểu rằng, mỗi vùng đất du lịch thế giới, ngoài những giá trị lịch sử, xã hội, luôn phải gắn với một vài “sản vật địa phương”. Khi những cánh đồng nho ở Pháp, Tây Ban Nha được canh tác tốt, cho ra những dòng rượu vang chất lượng, du lịch “nếm rượu vang” cũng hình thành. Khi những cánh đồng lúa canh tác hữu cơ ở Nhật Bản được “lên sóng”, với chất lượng gạo cao cấp, lượng du khách đến đất nước mặt trời mọc này thưởng thức “du lịch xanh” cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Vậy tại sao Đắk Lắk không thể hình thành những luồng du khách tiếp cận thực tiễn một quy trình sản xuất cà phê, từ thăm thú những cánh đồng, cùng người nông dân học cách thu hoạch, đến các kho hàng bảo quản, các nhà máy chế biến, rồi cuối cùng được nếm hương vị những giọt cà phê thơm ngon? Tại sao không thể mở tour du lịch đưa du khách tham quan các vườn sầu riêng, giúp họ hiểu rõ về các giống sầu riêng, thưởng thức trái tại vườn, rồi tìm hiểu sâu hơn những nhà máy chế biến, cấp đông, sấy khô, làm bánh kẹo mứt quả từ sầu riêng?
Những quy trình hoạt động sản xuất ấy, chính là niềm cảm hứng để Đắk Lắk hình thành mảng du lịch nông sản, điều không thể tìm thấy được ở nơi khác. Phát triển du lịch theo hướng này, chắc chắn sẽ là một giải pháp hấp dẫn, hiệu quả để địa phương hình thành thế mạnh kinh tế du lịch bền vững. Mà điểm nhấn sau cuối, vẫn luôn là những đô thị nông sản, điểm hẹn tập trung giới thiệu nông sản và mở ra những nhịp cầu kết nối, quảng bá tốt hơn. Những thành phố cà phê Buôn Ma Thuột, thị trấn sầu riêng Phước An, thị trấn ca cao Buôn Trấp… sẽ bùng nổ tầm vóc cùng với giá trị kinh tế sản xuất gia tăng và cơ hội du lịch trải nghiệm thực tế nông sản địa phương…
Nguyên Đức