Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong các lĩnh vực như quản lý năng lượng; quản lý môi trường...; đồng thời bổ sung thêm các TCVN cho những loại năng lượng mới như năng lượng sóng, năng lượng nước, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối…
Thông tin từ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.500 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong số này có trên 200 tiêu chuẩn năng lượng xanh bao gồm năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường - khí nhà kính, nhãn môi trường, tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang tập trung xây dựng các nhóm tiêu chuẩn hỗ trợ các phương tiện giao thông chạy bằng điện theo xu hướng của thế giới hiện nay. Tổng cục đã chủ động nghiên cứu các bộ phận, cấu thành trong hệ thống trạm sạc và đưa ra các định hướng để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới.
Theo đó, Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc,...
Các trạm sạc xe điện được thiết lập nằm trong kế hoạch xây dựng các nhóm tiêu chuẩn hỗ trợ các phương tiện giao thông chạy bằng điện
Tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các giải pháp xanh, liên quan đến việc giảm tác động khí hậu và liên quan đến việc triển khai và thực hiện các giải pháp xanh trên toàn chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển đổi xanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi xanh, giảm tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với khí hậu và phân phối nhiều hơn các giải pháp xanh là lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Liên minh viễn thông quốc tế, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), với tư cách này Việt Nam đã đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục xây dựng nhóm tiêu chuẩn trọng yếu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp; ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa chuyên gia Việt Nam tham gia sâu hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế.
Tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội. Với doanh nghiệp, các tiêu chuẩn là công cụ chiến lược giúp giải quyết các thách thức, đòi hỏi khắt khe nhất trong kinh doanh và đảm bảo hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường.
Với người tiêu dùng, sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế giúp an toàn, chất lượng tốt. Tiêu chuẩn cũng hỗ trợ cơ quản quản lý xây dựng chính sách công, quy định quốc gia đảm bảo yêu cầu với xuất nhập khẩu, thuận lợi lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia.
Hoàng Nam