Di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Cập nhật: 17/10/2022
Ngày nay du khách đến tham quan Ngũ Hành Sơn không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên mà còn nhìn thấy bóng dáng tiền nhân ẩn hiện dưới những văn tự Hán Nôm được lưu khắc trên các vách đá. Di sản văn khắc này là tư liệu rất có giá trị và tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch.

Thuyết minh ma nhai Ngũ Hành Sơn cho du khách. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Di sản ẩn rêu phong

Hệ thống văn khắc trên vách đá Ngũ Hành Sơn, hay còn gọi là tư liệu ma nhai được hình thành dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, tồn tại đến nay ngót 4 thế kỷ. Hiện có khoảng 80 đơn vị văn bản văn bia ma nhai, phân bố khắp khu vực Ngũ Hành Sơn.

Trong đó, văn bia ma nhai tập trung chủ yếu trên các vách đá động Huyền Không, chiếm gần một nửa tổng số lượng văn bia ma nhai Ngũ Hành Sơn. Chỉ xét về mặt số lượng văn bản ma nhai tại một di tích ở Việt Nam, thì Ngũ Hành Sơn có số lượng văn bản ma nhai cao nhất.

Tháng 11 này, dự kiến UBND TP.Đà Nẵng sẽ bảo vệ hồ sơ “Ma nhai Ngũ Hành Sơn” trước Hội đồng UNESCO tại Hàn Quốc để đề nghị công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Văn bản ma nhai Ngũ Hành Sơn đa dạng về thể tài, phong phú về nội dung, bao gồm văn bản ngự bút, bi ký, thơ đề, đề danh, bài vị, câu đối…

Thể loại và hình thức văn tự của văn bản ma nhai Ngũ Hành Sơn cũng phong phú đa dạng, bao gồm văn bản thuần chữ Hán, thuần chữ Nôm hoặc tổng hợp cả chữ Hán lẫn chữ Nôm; sử dụng kiểu chữ khải (chân), hành, thảo và phối cách giữa các kiểu chữ chân đá hành, hành pha thảo… Những điều này cùng với kích cỡ chữ to nhỏ khác nhau tạo nên thư pháp đẹp mắt.

Văn bia ma nhai Ngũ Hành Sơn đang trong tình trạng mai một. Đó là sự không toàn vẹn văn bản. Có một số ma nhai đã bị mờ, không rõ nội dung, nguyên nhân do phong hóa tự nhiên; có một số ma nhai bị đục chữ, bị bôi lấp xi măng, bị viết vẽ đè lên, nguyên nhân từ ý thức con người.

Giá trị đặc biệt

Hệ thống tư liệu ma nhai Ngũ Hành Sơn là một bộ phận cấu thành quan trọng của Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hệ thống tư liệu này mang nhiều giá trị đặc biệt về những phương diện lịch sử, văn hóa, văn học, thư pháp, nghệ thuật, kinh tế du lịch. Trong đó, giá trị nổi bật của ma nhai Ngũ Hành Sơn là giá trị về lịch sử - văn hóa.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được Non Nước là danh thắng của đất Nam, hấp dẫn bao tao nhân mặc khách phải lưu lại bút tích nơi đây. Điều này thể hiện ở các tác giả lưu đề ở Ngũ Hành Sơn: Trương Quang Đản, Bùi Văn Dị, Nguyễn Văn Mại, Lê Hữu Đạo, Hà Đình Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục, Trần Văn Thống, Nguyễn Trọng Hợp, Đào Tấn; các tác giả nữ Lê Thị Thuân (con dâu hoàng tộc nhà Nguyễn), Cẩm Tú Hồ Thị Tham, ngoài ra còn có tác giả Hoa kiều Lý Triệu Tuấn ở vùng Quỳnh Phủ (Hải Nam - Trung Quốc).

Đặc biệt, với nhiều lần tuần du Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng ngự bút cho 7 bia ma nhai đại tự cho các hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Động Thiên Phước Địa, Vân Căn Nguyệt Quật, Vân Nguyệt Cốc.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được mối quan hệ giao lưu quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản và Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ thứ 17. Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật đã lưu dấu kỷ niệm hôn nhân quốc tế giữa người Việt với người Nhật từ 400 năm trước.

Đồng thời văn bia này cũng cho thấy tính quốc tế của Phật giáo đất Quảng đương thời. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ngày nay chính là tiếp nối Phật giáo đất Quảng mang tính quốc tế từ xưa.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn là phương tiện để cho các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã phản ánh tư tưởng chính trị thời Nguyễn. Những văn nhân đề thơ Ngũ Hành Sơn phần lớn chính là những quan nhân, họ xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Do vậy, thơ ca của họ dù du vịnh Ngũ Hành Sơn nhưng vẫn phảng phất tư tưởng Nho gia, chất chứa đạo lý trung quân ái quốc.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Hệ thống tư liệu ma nhai Ngũ Hành Sơn đang dần mai một do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Do vậy, việc bảo tồn ma nhai Ngũ Hành Sơn cần phải được tiến hành ngay.

Năm 2010, khi tôi và 3 cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện in rập văn bia ở Ngũ Hành Sơn đã cố tìm bằng được mảnh vỡ của văn bia bài ca trù Ngũ Hành Sơn của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại. Sự toàn vẹn của tấm bia này hiện nay chính là nhờ ý thức trân quý đối với di sản tiền nhân của chúng tôi ngày ấy.

Nói như vậy, để thấy rằng, nếu không nhanh chóng bảo tồn thì sẽ vĩnh viễn mất đi di sản quý báu này. Việc bảo tồn cần được thực hiện ở hai lĩnh vực: tư liệu thực địa và bản sao.

Bảo tồn thực địa là ngăn cản sự xâm hại của con người và hạn chế tối đa sự phong hóa của tự nhiên. Bảo tồn bản sao là sưu tầm, in rập, số hóa và tiến đến thực hiện lập hồ sơ di sản tư liệu ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Nếu bảo tồn mà không phát huy thì di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn cũng chỉ là di sản “hóa thạch”. Do vậy, đi đôi với bảo tồn là phát huy giá trị di sản. Việc phát huy giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn có thể ứng dụng vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục hay văn hóa du lịch.

Ứng dụng vào lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục là việc lâu dài và còn do nhiều yếu tố khác chi phối. Nhưng ứng dụng vấn đề này vào lĩnh vực du lịch ở Ngũ Hành Sơn là việc có thể thực hiện được ngay.

Trước mắt, chúng ta có thể sưu tầm ma nhai Ngũ Hành Sơn biên soạn thành sách. Đây là sản phẩm du lịch cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, cảm thụ về Ngũ Hành Sơn qua thơ ca. Hoặc đội ngũ hướng dẫn viên điểm có thể “tủ” vài bài từ cuốn sách này để tác nghiệp trong quá trình thuyết minh cho du khách. Công việc này, chi phí đầu tư rất ít nhưng sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

Chúng ta đã có nhiều sản phẩm đá điêu khắc để cho du khách chiêm ngưỡng, mua sắm. Tại sao chúng ta lại không sáng tạo thêm một mẫu sản phẩm mới là thạch thi để đa dạng hóa sản phẩm du lịch? Chúng ta có thể tiến hành khắc những bài thơ đề vịnh vốn có trên Ngũ Hành Sơn thành những “văn bản” đá bằng chữ Quốc ngữ để trang trí ở lan can bậc thang lối lên xuống hay những chỗ du khách nghỉ chân, nhằm phục vụ cho du khách thưởng ngoạn, cảm nhận, thẩm bình. Tương tự, trên những sản phẩm đá điêu khắc có thể in/khắc thơ ca ma nhai Ngũ Hành Sơn để du khách làm quà lưu niệm.

Nguyễn Dị Cổ

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 16/10/2022