Ngôi chùa độc đáo được xây từ mảnh sành phế liệu hút du khách ở Lâm Đồng

Cập nhật: 18/10/2022
Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo xây dựng từ hàng triệu mảnh sành phế liệu cùng rất nhiều kỉ lục “có một không hai” đã trở thành điểm đến khó quên đối với du khách trong nước, quốc tế, tín đồ phật tử. Đó là chùa Linh Phước hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là Chùa ve chai (đường Thiên Tự Phước, phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Chùa Linh Phước tại Đà Lạt thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng lãm

Công trình động đáo từ những mảnh sành phế liệu

Chùa Linh Phước toạ lạc tại đường Thiên Tự Phước, phường 11, TP Đà Lạt, là một điểm đến rất nổi tiếng đối với người dân và du khách khi đến với Lâm Đồng. Được biết, ngôi chùa được hòa thượng Thích Minh Thể sáng lập và cho xây dựng vào năm 1949, đến năm 1951 thì hoàn thành. Tuy nhiên, lúc đầu ngôi chùa chỉ là một ngôi chùa làng với quy mô rất nhỏ. Phải đến khi thượng tọa Thích Tâm Vị tiếp quản trụ trì chùa vào năm 1985 thì ngôi chùa mới được xây dựng lại với sự bề thế hơn. Quá trình đại trùng tu lại chùa được kéo dài từ năm 1990 đến tận năm 2018 thì các hạng mục mới cơ bản được hoàn thành. Tổng thể ngôi chùa có kết cấu với các không gian chính gồm: Chánh điện, Tháp chuông, Điện Quan thế Âm, Long Hoa Viên và khu vực Nội viện là nơi ở của các tăng ni trong chùa.

Theo hòa thượng Thích Hạnh Định - Trị sự chùa Linh Phước cho biết: Sở dĩ ngôi chùa có tên là Chùa ve chai bởi vì kiến trúc của chùa được kiến tạo bởi những vật liệu bỏ đi như mảnh chai, mảnh sảnh sứ. “Ngày đó, để có đủ số miểng chai, mảnh sành để xây dựng chùa thì các tăng ni trong chùa phải đi mua khắp nơi, cùng với đó sự đóng góp của các phật tử. Khi ở địa phương không thể đủ để xây chùa thì tăng ni, phật tử phải đổ đi các ngoài tỉnh để thu gom về. Trải qua nhiều năm tháng góp nhặt vỏ chai, mảnh sành để xây chùa thì số lượng đã quá lớn không thể đếm được là bao nhiêu mà chỉ có thể tính bằng tấn”, hòa thượng Thích Hạnh Định cho biết thêm.

Hầu hết các hạng mục của ngôi chùa đều được đính bởi hàng triệu vỏ chai, mảnh sành, sứ.

Trong khuôn viên Long Hoa Viên của chùa có một con rồng dài 49m, rộng 1,3m uốn lượn mềm mại quanh khuôn viên, đầu rồng cao 7m che phủ tượng bồ tát Di Lặc ở hòn giả sơn. Điều đặc biệt của linh vật là toàn bộ phần vẩy rồng được đính bằng 12.000 vỏ miểng chai bia. Đây cũng chính là công trình đầu tiên của ngôi chùa được làm bằng vỏ chai, đồng thời là cảm hứng cho hàng loạt hạng mục kiến trúc từ cột, tường, trần đến hiên, mái vòm…được nhà chùa cho xây dựng bằng mảnh sành, sứ sau đó.

Những kỉ lục ấn tượng

Chùa Linh Phước không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh tại Đà Lạt mà còn là một kiệt tác kiến trúc đặc sắc. Bên cạnh đó, địa danh này cũng sở hữu riêng cho mình rất nhiều kỷ lục trong nước và quốc tế. Đầu tiên phải nhắc đến là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng hoa bất tử. Tượng cao 17m với hơn 650.000 đóa hoa bất tử. Được biết, nhà chùa đã đến các nhà vườn tại Đà Lạt để thu gom hoa trong gần 2 tháng thì mới đủ số lượng hoa để dựng tượng. Cùng lúc, 600 phật tử và 30 nghệ nhân phải thực hiện liên tục trong 36 ngày thì mới hoàn thành công trình. Đây là công trình xuất phát từ ý tưởng của sư trụ trì Thích Tâm Vị với mong muốn cúng dường mẹ hiền Quan Âm, cầu cho chúng sinh an lạc, đồng thời nhằm chào mừng Festival hoa Đà lạt 2010. Năm 2017, công trình đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đại diện đã trao chứng nhận Kỷ lục thế giới cho công trình "Tượng Phật Quan thế Âm bằng hoa bất tử lớn nhất thế giới".

Tượng phật Quan thế Âm Bồ Tát trong nhà cao nhất Việt Nam

Đối diện với Long Hoa Viên là Linh Tháp hay còn được gọi là Tháp Chuông. Linh Tháp chiều cao lên đến 37m và đã được công nhận là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Nằm trong Linh Tháp treo một quả đại hồng chung bằng đồng có chiều cao 4,3m, miệng rộng 2,33m với tổng trọng lượng 8.500 Kg. Hồng chung của chùa Linh Phước từng là hồng chung nặng nhất tại Việt Nam, sau đó bị đại hồng chung ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) soán ngôi.

Nằm ngay dưới lòng đất bên dưới khuôn viên chùa là công trình kiến trúc 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam với chiều dài lên đến 300m. Công trình là những hoạt cảnh tái hiện lại cảnh Bồ tát Mục Kiền Liên đi qua các tầng địa ngục để tìm mẹ trong thuyết Kinh Vu Lan. Theo hòa thượng Thích Định Hạnh, công trình được thực hiện với mục đích góp phần phổ biến văn hóa, giáo dục phật giáo, khuyến thiện trừng ác. Thông qua hình ảnh ngài Mục Liên tìm mẹ để nêu gương hiếu hạnh, giúp con cái biết hiếu thảo với đấng sinh thành.

Một công trình khác không thể không nhắc đến tại ngôi chùa nổi tiếng này chính là tượng Phật Quan thế Âm Bồ Tát trong nhà bằng bê tông cao nhất Việt Nam với chiều cao ấn tượng lên đến 17m. Xung quanh Điện thờ còn có 324 pho tượng Quan thế Âm Bồ Tát khác được thiếp vàng tạo khung cảnh hoành tráng và tâm linh cho gian Điện.

Nghệ thuật độc đáo từ các hạng mục của chùa Linh Phước là điểm nhấn của công trình 

Ngoài ra, chùa Linh Phước còn nắm giữ rất nhiều kỷ lục khác như ngôi chùa được tạo tác bằng miếng sành nhiều nhất; Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ cao nhất Việt Nam; Gốc cây gỗ trâm khắc bộ kinh pháp cú lớn nhất Việt Nam; Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam; Tượng Khổng Tước Vương bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Tác phẩm nghệ thuật Song Tùng Bách Hạcđược xác lập kỉ lục Việt Nam.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, mỗi ngày chùa Linh Phước đón tiếp hàng ngàn lượt khách du lịch đến đây tham quan cũng như đông đảo phật tử trong và ngoài nước tìm về chiêm bái. Chùa Linh Phước đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tến khi đến Đà Lạt. Hiện nay chùa Linh Phước miễn phí vé tham quan cho du khách đến đây trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều hàng ngày.

Thành Khiêm

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 17/10/2022