Để phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào thực chất, góp phần thay đổi thói quen sử dụng vật dụng nhựa trong sinh hoạt, hạn chế xả thải ra môi trường, thời gian qua, Hà Tĩnh đã lan rộng trong cộng đồng, với những cách làm hay và nhiều mô hình sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực.
Thay đổi thói quen - khó cũng phải làm
Việc thực hiện hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni lông gặp khó khăn vì thói quen sinh hoạt lâu ngày của người dân. Hơn thế nữa, mỗi hộ dân cư có trình độ nhận thức, thời gian làm việc khác nhau, điều này cũng làm ảnh hưởng đến ý thức chung của phong trào chung tay chống rác thải nhựa.
Mô hình đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng
Thành phố Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những đô thị có lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày khá lớn. Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Tĩnh đã triển khai một kế hoạch hành động chiến lược. Theo đó, cùng tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam ký tuyên bố tham gia chương trình đô thị giảm nhựa, cam kết giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa hướng tới mục tiêu không còn rác ngoài thiên nhiên vào năm 2030.
Ngay sau khi tham gia chương trình đô thị giảm nhựa, lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội LHPN thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tại các địa bàn phường xã. Bước đầu, phối hợp với Hội phụ nữ phường Hà Huy Tập tổ chức tập huấn cho 60 hộ gia đình trên địa bàn phường về nâng cao nhận thức về rác thải nhựa; hướng dẫn phân loại tại nguồn và làm phân compost từ rác hữu cơ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu gom, phân loại, xử lý rác trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Nhiều người sống ở khu vực thành phố Hà Tĩnh khi trao đổi chuyện về việc thu gom, phân loại rác, chống rác thải nhựa nhận thấy: Nhận thức của người dân đối với vấn đề rác thải nhựa chưa cao do đó việc sử dụng túi ni lông, đặc biệt các sản phẩm dùng một lần tràn lan, cùng với đó là việc vứt rác bừa bãi dẫn tới việc phát sinh các điểm nóng ô nhiễm rác thải trên địa bàn…
Mô hình “chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ” không còn xa lạ trên địa bàn Hà Tĩnh
Mới đây, nghe tin thành phố Hà Tĩnh triển khai chương trình đô thị giảm nhựa, nhiều gia đình bắt đầu thay đổi nếp nghĩ về rác thải. Một số nơi tại khu phố triển khai thí điểm, người dân vui vẻ khi trao đổi với cán bộ nhân viên thu gom rác vào mỗi chiều: "Thay đổi thói quen, khó cũng phải làm"; "Nếu thành phố phát động phong trào hướng mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài thiên nhiên thì quá tốt"...
Nhân rộng những cách làm hay
Được xác định là lực lượng tiên phong trong việc tham gia hưởng ứng phong trào, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã có những hoạt động tích cực nhằm “Hạn chế sử dụng túi ni-long và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Những mô hình, sáng kiến, cách làm hiệu quả của Hội đang dần được nhân rộng, góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Trong những năm qua, mô hình “chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ” không còn xa lạ trên địa bàn Hà Tĩnh. Việc xách giỏ, túi vải đi chợ đã góp phần tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt, hưởng ứng phong trào.
Mô hình ngôi nhà xanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai mang lại hiệu quả thiết thực
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Mô hình được xem như một hình thức tuyên truyền thực tế và hữu hiệu, bởi mục đích của chúng tôi là dần thay đổi nhận thức, hạn chế túi ni lông khó phân hủy. Từ sự lan tỏa bước đầu, chúng tôi đã xây dựng chương trình, tuyên truyền cụ thể đến các hội viên và người dân trên địa bàn về tác hại của túi ni lông; Khuyến khích người dân sử dụng làn đi chợ, sử dụng các loại túi, giấy báo dễ phân hủy, thân thiện với môi trường”.
Được đánh giá là cách làm mới, mô hình “đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang” của tuổi trẻ Hà Tĩnh phát động đã thực sự tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút được rất nhiều người tham gia, góp phần chung tay trong phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ môi trường. Sau khi thu đổi, số rác thải nhựa sẽ được đoàn viên phân loại và mang đi bán để lấy kinh phí mua khẩu trang cũng như các sản phẩm chống dịch để tiếp tục quay vòng phát đổi cho người dân.
Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đánh giá: “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang hay thu gom rác thải nhựa lấy quỹ mua các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh tặng người dân là cách làm hay, thiết thực và kịp thời trong tình hình đại dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm, tạo được sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Việc làm này góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho mỗi nhà cũng như từng người dân”.
Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa do Đoàn Thanh niên phát động
Tại Hà Tĩnh, cũng chính từ các tổ chức Hội, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Bước đầu có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cho hay: “Thực hiện Kế hoạch 123/KH-UBND ngày 06/5/2019 của UBND tỉnh, thời gian qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được triển khai rộng rãi. Thông qua các hoạt động thực sự tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa; một bộ phận người dân đã chủ động, tự giác, có ý thức và hành động để giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc sử dụng các sản phẩm thay thế”.
Đức Cảnh