Trước thực trạng môi trường biển đang bị ô nhiễm, nhiều ngư dân ở Đà Nẵng đang tích cực chung tay giảm thiểu việc thải bỏ rác thải nhựa xuống biển và giảm thiểu sử dụng ngay từ trên bờ để hạn chế khối lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, trôi ra biển.
Là địa phương có nhiều lao động sinh sống bằng nghề đi biển, mới đây UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) phối hợp Hội Nông dân phường tổ chức ra mắt Tổ ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển với 25 thành viên nòng cốt. Tại buổi lễ, đại diện tổ đã tự nguyện ký cam kết sẽ không xả rác thải nhựa, ngư lưới cụ cũ hỏng xuống sông, xuống biển. Đồng thời tình nguyện thu gom tất cả thải liên quan đến chất nhựa, chất khó phân hủy về bờ nhằm “giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh” cho môi trường biển.
Phường Thanh Khê Đông ra mắt Tổ ngư dân khai thác thủy sản ven bờ thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa trên biển
Ông Nguyễn Văn Thu (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), Chủ tàu cá ĐNa 820136 TS cho hay: “Không chỉ 25 thành viên nòng cốt, chúng tôi sẽ vận động hơn 80 chủ tàu, thuyền khác cùng chung tay giữ gìn môi trường sạch, đẹp trên biển và sông Phú Lộc, đặc biệt là không thải các loại rác thải nhựa và chất thải rắn khó phân hủy trên sông, biển. Chúng tôi cũng tổ chức những đợt ra quân thu gom các loại rác thải nhựa trên sông Phú Lộc và ven bờ biển”.
Cùng với việc thành lập Tổ ngư dân giảm thiểu chất thải nhựa trên biển, Phòng TN&MT quận Thanh Khê phối hợp Phòng Kinh tế quận và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đại dương, hướng dẫn phân loại rác cho hàng trăm ngư dân các phường trên địa bàn quận. Qua đó, kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường biển, sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bằng các hành động thiết thực. Việc ngư dân chung tay giảm thiểu rác thải nhựa sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường của quận Thanh Khê trong giai đoạn 2021- 2025.
Ngư dân thu gom rác thải nhựa trên sông Phú Lộc và ven bờ biển Đà Nẵng
Trước sự gia tăng của rác thải nhựa trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển, vào tháng 3/2021, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang phối hợp thực hiện biện pháp bắt buộc ngư dân thu gom, bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao rác cho Ban quản lý khi cập cảng để cân rồi cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Tờ phiếu nộp rác là một trong những giấy tờ bắt buộc ngư dân phải trình Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang khi làm thủ tục xuất bến để ra khơi khai thác hải sản.
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, trong năm 2021, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã triển khai cho 1.075 chủ tàu cá ký cam kết nộp rác thải khi vào cảng cá Thọ Quang. Tổng khối lượng rác đã thu gom được từ 5.836 tàu thuyền cập cảng, xuất bến là 13,43 m3 rác, chủ yếu là vỏ chai nhựa, túi ni lông, vỏ hộp xốp đựng thực phẩm... Từ hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa mà mô hình này mang lại, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tiếp tục đề nghị các đơn vị duy trì công tác đổi rác lấy phiếu xuất bến và ứng dụng công nghệ thông tin như: quét mã QR, nhận diện khuôn mặt... để công tác này không chỉ là phong trào mà sẽ góp phần thay đổi ý thức của ngư dân.
Ngư dân neo đậu thuyền ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang mang rác nộp trước mỗi chuyến chuyến ra khơi
Ngư dân Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, trong quá trình đánh bắt nếu xả rác thải nhựa ra biển thì ảnh hưởng đến sự sinh sôi, phát triển của tôm cá, nguồn thuỷ sản cũng vì thế mà cạn kiệt dần. Thực tế những năm gần đây sản lượng hải sản sụt giảm đáng kể khiến ngư dân khó khăn. Vì vậy, ngư dân phải cùng chung tay gìn giữ môi trường biển, rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt phải được đưa về bờ thu gom đúng quy định.
Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% không sử dụng vật dụng/đồ nhựa sử dụng một lần như chai nước, ống hút nhựa, băng rôn, backdrop… trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện; vận động ít nhất 80% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển.
Phấn đấu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bao gồm chất thải nhựa….. Với sự chung tay của ngư dân, Đà Nẵng đang tiến gần hơn đến mục tiêu giảm rác thải nhựa được đặt ra.
Lan Anh