Việt Nam: Xanh hóa ngành hàng hải gắn với thực hiện Công ước MARPOL

Cập nhật: 19/10/2022
Từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại các cảng và các thiết bị báo hiệu hàng hải phải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương. Đó là mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và mê tan trong lĩnh vực hàng hải.

Lộ trình cụ thể

Hướng tới mục tiêu góp phần phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050 của Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) xác định: Giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025.

Theo đó, khuyến khích chủ phương tiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu.

Giai đoạn 2031 - 2050, tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra và sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của IMO. Ở giai đoạn này, tàu biển đóng mới, hoán cải, nhập khẩu sau năm 2035 sử dụng điện, năng lượng xanh.

Cũng trong giai đoạn này, mục tiêu đặt ra là sẽ đầu tư phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Từ năm 2040, thực hiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hiện hữu, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.

Từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.

Liên quan đến các mục tiêu này, từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước MARPOL (Ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại được vận chuyển trên biển dưới dạng bao gói, ô nhiễm do nước thải của tàu, rác thải của tàu và ô nhiễm không khí do tàu gây ra). Trong kế hoạch này, Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn từ 2016- 2030, sẽ tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục IV, V và VI của Công ước MARPOL; nghiên cứu, triển khai áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất thải phát sinh từ tàu biển.

Chính phủ cũng yêu cầu đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển Việt Nam để đệ trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua.

Đặc biệt Chính phủ xác định sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước MARPOL; thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia thành viên của Công ước để tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước này.

Củng cố hành lang pháp lý

Để hiện thực các mục tiêu trong kế hoạch đã đề ra, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất sửa Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản dưới luật. Trong đó, tích hợp các nội dung, quy định và cam kết quốc tế liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị hàng hải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tiến tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật... liên quan đến quản lý, vận hành, khai thác phương tiện, trang thiết bị ngành hàng hải có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng điện, năng lượng xanh. Lồng ghép các quy hoạch ngành hàng hải đảm bảo việc định hướng đầu tư, xây dựng, nâng cấp ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Một trong những giải pháp quan trọng được Cục Hàng hải xác định là triển khai kiểm kê khí nhà kính với các hoạt động hàng hải.

Song song với đó là quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải xanh, trên cơ sở huy động đa dạng nguồn hỗ trợ tài chính từ các quỹ về môi trường trên thế giới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, ngân hàng thương mại quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Bùi Thọ

Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường - monre.gov.vn - Đăng ngày 19/10/2022