Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam

Cập nhật: 20/10/2022
Ngày 14/10/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo - Myanmar Conservation phối hợp tổ chức tọa đàm "Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam".

Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á, trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển. Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá (IUCN, 2021). Cụ thể: Trong 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt có nguy có tuyệt chủng, có tới 15 loài ở mức độ rất nguy cấp (CR), 8 loài ở mức độ nguy cấp (EN) và 1 loài ở mức sắp nguy cấp (VU); 5 loài rùa biển có 1 loài rất nguy cấp (CR), 1 loài nguy cấp (EN) và 3 loài sắp nguy cấp (CR). Nạn săn bắt và buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của các loài rùa. Trong đó, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt... bất hợp pháp bị bắt giữ, qua phân tích số lượng cá thể động vật hoang dã bị tịch thu, các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần 1/3, tương đương 31,23% (8.118/26.221), tổng số cá thể bị tịch thu trong giai đoạn 2013 - 2017. Đồng thời, các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi trong năm 2015 - 2016. Với các ưu điểm như giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, có thể che giấu danh tính, mạng xã hội trở thành một kênh phổ biến cho việc trao đổi, giao dịch các mặt hàng cấm, bao gồm động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Bất chấp nỗ lực của của các cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã nói chung và buôn bán rùa trên mạng vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến thực trạng buôn bán rùa trên mạng ở Việt Nam hiện nay; Nền tảng được sử dụng phổ biến nhất cho buôn bán rùa trực tuyến ở Việt Nam; Vùng phân bố của hoạt động buôn bán rùa trực tuyến; Các chiêu thức lách luật, trốn tránh sự kiểm duyệt của người sử dụng mạng; Loài rùa nào đang bị rao bán, trao đổi trên mạng xã hội; Hoạt động buôn bán rùa ảnh hưởng tới tình trạng loài rùa; Các khuyến nghị cho cơ quan quản lý và các bên liên quan khác… Hy vọng, những thông tin chia sẻ tại tọa đàm sẽ được các nền tảng sử dụng để nâng cao khả năng giám sát thông tin, tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã nói chung và rùa nói riêng.

Vũ Nhung

Nguồn: Tạp chí Môi trường - tapchimoitruong.vn - Đăng ngày 14/10/2022