Phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Cập nhật: 21/10/2022
Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình có tầm khái quát lý luận cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc. Tổng Bí thư đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và làm rõ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng, nêu bật những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, những chủ trương, giải pháp để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đó có nội dung về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Vai trò của “sức mạnh mềm”

Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng theo Tổng Bí thư: Dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa…). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - loại hình nghệ thuật được coi là cốt lõi của văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, Trung ương Đảng, Tổng Bí thư đã quan tâm nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, quan điểm về lĩnh vực văn hóa. Văn hóa được khẳng định là nền tảng, bệ đỡ cho phát triển lâu dài, bền vững. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thực tiễn chứng minh, một quốc gia muốn phát triển bền vững phải dựa vào yếu tố cứng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội, tài chính… và còn dựa vào các yếu tố mềm là nguồn lực con người. Con người chính là nguồn tài nguyên, của cải quý giá, nguồn lực to lớn quyết định sức mạnh và thương hiệu quốc gia.

Tổng Bí thư khẳng định: Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ và nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới… Trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế… Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề, đến quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Quan điển chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam… Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Nhiều điểm mạnh nhưng còn những hạn chế yếu kém về văn hóa

Việt Nam là một đất nước với mấy ngàn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Hệ thống các quan điểm, chính sách, phân tích quá trình triển khai chính sách liên quan đến phát huy sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam đã chỉ ra điểm mạnh của Việt Nam chính là 8 trụ cột tài nguyên sức mạnh mềm của văn hóa. Đó là: Di sản văn hóa phi vật thể (sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… như nghệ thuật truyền thống, lễ hội truyền thống, bí quyết nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống…); Di sản văn hóa vật thể; Di sản thiên nhiên thế giới; Lễ hội mới và sự kiện văn hóa; Các sản phẩm và dịch vụ thuộc ngành công nghiệp văn hóa; Các giá trị và danh nhân văn hóa; Văn hóa cộng đồng cơ sở; Các cơ sở vật chất và không gian văn hóa.

Hiện nay, cả nước ta có 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”… Di sản văn hóa là một tài sản vô cùng quý báu, không phải là vật thể của quá khứ cần được bảo tồn mà là nguồn lực vô giá có vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển cụ thể ở các khía cạnh khác nhau.

Về phát triển văn hóa, con người, Đại hội XIII của Đảng đã đề cập: Bên cạnh những giá trị tốt đẹp trong nhân cách con người Việt Nam như tinh thần yêu nước, lao động chăm chỉ, đoàn kết cộng đồng, lòng nhân ái, giàu đức hy sinh vì nghĩa lớn thì một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay vẫn còn tâm lý tiểu nông, tác phong xuề xòa, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, thiếu đam mê nghiên cứu bứt phá sáng tạo.

Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới với hơn 1.000 di tích được gữ gần như nguyên vẹn. Những ngôi nhà cổ rêu phong với hình ảnh người phụ nữ áo dài làm những con phố cổ càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu hạn chế yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc và quan tâm đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh… nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”).

Giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được Tổng Bí thư nêu rõ trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, tập trung:

- Nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của nhà nước về văn hóa, thực hiện quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đẩy mạnh công tác sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý văn hóa và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, có chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

- Xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để hình thành hệ sinh thái  thúc đẩy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa, định vị thương hiệu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về nguồn tài nguyên văn hóa, việc phát huy nguồn lực, tài nguyên văn hóa thông qua các giải pháp chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa, gắn phát triển văn hóa với kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng mức đầu tư nhà nước hợp lý cho văn hóa.

- Triển khai thực hiện trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh dựa trên các hệ giá trị chuẩn mực. Hệ giá trị chuẩn mực về con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình Việt Nam: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị Quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

- Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Ưu tiên xây dựng văn hóa trong chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức phẩm chất, ý thức thượng tôn pháp luật và phục vụ nhân dân, xây dựng văn hóa trong cộng đồng, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

- Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa. Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước. Phát huy chức năng thẩm mỹ, giáo dục, động viên, định hướng phát triển văn hóa tiến bộ, và chức năng điều tiết nâng niu cái tốt, phê phán cái xấu, uốn nắn những hành vi lệch chuẩn xã hội, góp phần tích cực phát triển văn hóa, con người.

Khi nghiên cứu về nội dung văn hóa trong tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa, mối quan hệ văn hóa với con người. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam sẽ góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong tình hình mới.

Phạm Phương Thảo

Nguồn: Trang tin đảng bộ TPHCM - hcmcpv.org.vn - Đăng ngày 19/10/2022