Thực hiện điều tra đánh giá hiện trạng một số loài thú, chim nguy cấp, quý hiếm, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã triển khai ứng dụng máy bẫy ảnh kỹ thuật số để ghi nhận và khẳng định sự hiện diện các loài động vật hoang dã tại khu vực này.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, loại bẫy ảnh được sử dụng hiện nay là loại bẫy ảnh hồng ngoại. Máy bẫy ảnh này sử dụng hệ thống cảm biến kép với 2 cảm biến camera, một cho việc quan sát ghi hình ban ngày và một cảm biến tối ưu hóa cho quan sát và quay ban đêm. Hình ảnh video nhận được có màu sắc rực rỡ, rõ nét tươi sáng về ban ngày và rõ nét, có độ tương phản cao về ban đêm. Các thông tin phụ bao gồm thời gian (ngày, giờ) vị trí địa lý, mặt trăng được tích hợp lên bức ảnh phù hợp cho quá trình nghiên cứu sau này.
Việc lắp đặt máy bẫy ảnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã tại khu bảo tồn
Để có thể ghi nhận được những hình ảnh về các loài động vật hoang dã trong rừng tự nhiên, công tác khảo sát thực địa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực tham gia đến các hoạt động thực địa. Theo đó, nhóm công tác sẽ tiến hành khảo sát hiện trường để xác định những khu vực mà các loài động vật hoang dã thường hoạt động (kiếm ăn, uống nước, ăn muối khoáng và các hoạt động ngủ, nghỉ khác).
Những khu vực này thường là các điểm muối khoáng, các bãi sình lầy, các khu vực đi lại, kiếm ăn có dấu vết để lại của động vật. Đó chính là những vị trí tốt để thiết lập bẫy ảnh ghi nhận về sự hiện diện của chúng. Tại những điểm này sẽ thiết lập 1-2 máy bẫy ảnh và đặt trong thời gian khoảng 2-3 tháng.
Nơi được đặt bẫy ảnh thường có vị trí thông thoáng và ít bị các vật cản ở phía trước góc chụp của máy. Các bẫy ảnh được thiết lập ở độ cao khoảng 20-60cm so với mặt đất. Các bẫy ảnh này được buộc đính vào những thân cây thẳng. Tuy nhiên, những thân được xác định để gắn bẫy ảnh phải có khoảng cách tối ưu từ vị trí bẫy ảnh đến vị trí trung tâm mà bẫy ảnh có thể ghi hình được khoảng cách tối ưu từ 1 – 5 m.
Ngoài việc bố trí về số lượng, khoảng cách và độ cao, việc điều chỉnh vị trí bẫy ảnh đòi hỏi có độ chính xác cao nhằm thu thập được hình ảnh tối ưu nhất. Các bẫy ảnh phải được thiết lập theo phương thẳng đứng (vuông góc với mặt đất) và hướng camera được bố trí vuông góc (tương đối) với hướng mặt trời mọc và lặn.
Nhiều động vật nằm trong Sách đỏ đã được phát hiện tại khu bảo tồn
Trước đó trong năm 2021, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã lắp đặt 40 máy bẫy ảnh, sau gần 3 tháng tiến hành tháo bẫy ảnh. Tất cả 40 máy đều còn nguyên vẹn và đã ghi hình được 25 loài động vật hoang dã. Đặc biệt, có cả các loài thuộc nhóm IB, IIB (theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP) và nhiều động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN) như khỉ mặt đỏ, thỏ vằn, gà lôi trắng, voọc chà vá chân nâu, voọc gáy trắng cùng nhiều loài chim, chồn, cầy, lợn rừng..
Từ bẫy ảnh, hàng chục video đã ghi lại cảnh từng đàn động vật thuộc nhiều thế hệ di chuyển qua trường ảnh. Trong đó có đàn khỉ mặt đỏ thuộc diện nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới, lên tới hàng chục con.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, khẳng định kết quả bẫy ảnh động vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là minh chứng cho thấy rừng được quản lý, bảo vệ tốt, đa dạng sinh học đang ngày càng nâng cao. Đây là cơ sở để tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, từ đó làm cơ sở để quy hoạch, xây dựng thành vườn quốc gia theo định hướng của tỉnh.
Trần Hùng