Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông luôn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn hệ sinh thái, tăng cường tuyên truyền phổ biến về luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông chia sẻ: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, Đảng ủy, HĐND, UBND 02 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 9 tháng năm 2022 với tinh thần và tránh nhiệm cao, cùng với sự phối hợp giữa các ban, ngành trên địa bàn và nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Đến thời điểm hiện nay, an ninh rừng cơ bản ổn định, hoạt động bảo tồn thiên nhiên có nhiều chuyển biến tích cực.
Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), quản lý nương rẫy, từ đầu năm Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã xây dựng phương án Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và PCCCR, kế hoạch tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ
Trong 9 tháng đầu năm 2022 Khu BTTN Pù Luông đã tập trung tuần tra, kiểm tra an ninh được 1.614 lần. Kết quả kiểm tra, an ninh rừng tương đối ổn định, không có điểm nóng về khai thác, phá rừng trái pháp luật. Qua kiểm tra còn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 03 vụ khai thác gỗ trái pháp luật với tổng số tiền: 26.000.000 đồng (Hai mươi sáu triệu đồng) nộp Kho bạc Nhà nước; tịch thu: 0,141 m3 gỗ tròn nhóm 6; 01 cây Dâu gia đất; 01 cưa xăng và 02 con dao. Phát hiện 01 vụ khai thác trái pháp luật, chuyển hồ sơ và tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Bá Thước xử lý với mức phạt 25.000.000 đồng (Hai mươi lăm triệu đồng), tịch thu 01 cưa xăng, 1,097 m3 gỗ. Tổng tiền phạt 51.000.000 đồng (Năm mươi mốt triệu đồng).
Tổ chức tuần tra được 19 lần tại khu vực bãi Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Kết quả kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản (vàng) trái phép tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng đào, đãi vàng trái phép.
Tổ chức tuyên truyền cấp thôn (bản) được 31 hội nghị với 1.937 lượt người tham gia. Công tác tham mưu cho chính quyền địa phương các trạm đã tổ chức làm việc với chính quyền địa phương được 8 lần. Nội dung về công tác phối kết hợp kiểm tra rừng, PCCCR và tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác QLBVR, PCCCR.
Về công tác PCCCR, quản lý nương rẫy, từ đầu năm Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã xây dựng phương án QLBVR và PCCCR, kế hoạch tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường công tác trực PCCCR của Ban chỉ đạo và tổ chức trực cháy 24/24. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Khu BTTN Pù Luông đang còn đứng trước muôn vàn những Khó khăn, thách thức: được quy hoạch trên 2 huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, đây là 2 huyện thuộc các huyện nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân còn nghèo, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên thị trường hiện nay rất lớn, trong khi đó tài nguyên chủ yếu tập trung tại các khu rừng đặc dụng. Khu bảo tồn có diện tích giáp ranh với các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh với chiều dài đường biên trên 60km; địa hình tuần tra chủ yếu là núi đá tai mèo, độ dốc cao, quãng đường đến khu vực giáp ranh xa, vì vậy cũng đã gây khó khăn trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Để có thể làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong 3 tháng cuối năm Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông tiếp tục bảo vệ an toàn 16.999,81 ha rừng đặc dụng được giao quản lý; từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Tăng cường kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư hỗ trợ các chương trình dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, phát triển vùng đệm. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022: trồng mới 15 ha
Sử dụng có hiệu quả 16.999,81 ha đất được giao theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Thực hiện khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư vùng đệm theo đúng quy định hiện hành. Trong đó tập trung thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ an ninh rừng tại gốc. Hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022: trồng mới 15 ha. Triển khai thực hiện thành công các mô hình giảm nghèo Mô hình “Chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước”.
Triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả các đề tài, dự án đã được phê duyệt. Ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện các Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để bảo tồn và phát triển loài Ngải đen tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thanh Hóa”; “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm loài dược liệu La hán quả (Siraitia siamensis) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông”; Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài Lưỡng cư quý, hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hoá”; Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng kế hoạch bảo tồn 03 loài thực vật quý, hiếm Trai lý, Đỉnh tùng và Trà hoa trái mỏng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Tăng cường và phát triển năng lực hành động cho phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm phát triển sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước”.
Tiếp tục trình phê duyệt thuyết minh, dự toán kinh phí các đề tài, nhiệm vụ khoa học: Đề tài KHCN cấp tỉnh về quỹ gen “Nghiên cứu các biện pháp bảo tồn, lưu giữ nguồn gen 02 loài thực vật bản địa có giá trị khoa học và kinh tế: Chò chỉ (Parashorea chinensis) và Re gừng (Cinnamomum bejolghota) tại Khu BTTN Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa”; nhiệm vụ “Điều tra đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng kế hoạch bảo tồn loài Nghiến tại Khu BTTN Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa” và nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng các biện pháp bảo tồn các loài thú thuộc Bộ Guốc chẵn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa”. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư 02 nhiệm vụ mới năm 2023 theo Phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông, giai đoạn 2022 – 2030” để tổ chức thực hiện...
Duy Thịnh