Cua dẹp (còn gọi là cua đá), chủ yếu sinh sống tại vùng biển ở Lý Sơn. Thời gian gần đây, do nhu cầu tiêu thụ cua dẹp ngày càng tăng, người dân địa phương đã khai thác theo cách tận diệt, nên lượng cua ngoài tự nhiên trên đảo hiện nay còn rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn đã phối hợp với Viện Hải Dương học thực hiện đề tài: “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”, nhằm bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trên đảo, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tiến sĩ Huỳnh Minh Sang, công tác tại Viện Hải dương học cho biết, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành 2 đợt khảo sát tình trạng phân bố cua dẹp ở hang Câu và đảo Bé (Lý Sơn). Kết quả cho thấy, cua dẹp phân bố nhiều nhất ở đảo Bé. Cụ thể, mật độ phân bố cua dẹp ở hang Câu bình quân 240 con/ha và ở đảo Bé là 1.230 con/ha. Ước tính diện tích cua dẹp phân bố trên đảo Lớn là 2,4ha và đảo Bé là 11,2ha...
Mô hình nuôi cua dẹp ngoài tự nhiên được triển khai thực hiện tại đảo Bé (Lý Sơn).
Qua đó, đề tài đã xây dựng bản đồ phân bố cua dẹp; bản đồ vùng bảo vệ cua dẹp tỷ lệ 1/25.000 toàn vùng và bản đồ 1/5.000 ở khu vực đảo Bé và đảo Lớn. Diện tích của vùng bảo vệ cua dẹp ở đảo Lớn là 8,57ha (An Vĩnh 1,57ha và An Hải 7ha); đảo Bé có diện tích 11,77ha.
Mùa sinh sản của cua dẹp từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm (rộ nhất từ tháng 5 - 6). Sức sinh sản tuyệt đối của cua dao động từ 473 - 820 nghìn trứng/cá thể cái... Từ kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản của cua dẹp, đề tài đã xây dựng 2 mô hình nuôi cua dẹp ngoài tự nhiên và nuôi thương phẩm trong bể.
Qua kết quả nuôi thử nghiệm cho thấy, cua dẹp nuôi trong bể cho trọng lượng và năng suất cao hơn. Theo đó, sau 8 tháng nuôi trong bể cua dẹp đạt trọng lượng trung bình 100g/con, năng suất đạt 0,9 -1 kg/m2 , chiều rộng mai cua trung bình đạt 60mm/con, tỷ lệ sống trên 90%. Trong khi đó, cua dẹp nuôi ngoài tự nhiên đạt trung bình 83g/con, rộng mai cua trung bình 57,7mm, năng suất đạt 0,408kg/m2.
Cua dẹp nuôi trong bể đạt trọng lượng và năng suất cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn Trương Đình Nho cho biết, cua dẹp là loài rất dễ sống, dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường nuôi trong bể. Đây là loài ăn tạp, thích bóng râm và có tỷ lệ sống cao trên 90%. Mật độ thích hợp cho nuôi cua dẹp từ 5 - 7 con/m2 .
Trong quá trình nuôi, chưa phát hiện bệnh dịch nên chi phí đầu tư thấp, tỷ lệ sống cao. Tuy nhiên, thời gian nuôi để đạt kích thước cua thương phẩm dài (16 – 20 tháng), thế nên có thể sử dụng lao động nhàn rỗi để nuôi và thu hoạch theo phương pháp đánh tỉa thả bù để kích thích cua tăng trưởng nhanh, đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng các giải pháp bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi cua dẹp ở huyện Lý Sơn. Theo đó, vùng khai thác phát triển cần tuân thủ quy định: Không được khai thác cua cái đang mang trứng từ tháng 2 - 8. Kích thước khai thác cua không nhỏ hơn 60mm chiều rộng mai.
Thực hiện nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo - thực nghiệm sản xuất giống nhân tạo, phục vụ cho việc tái tạo nguồn lợi tự nhiên và phát triển nghề nuôi cua dẹp ở Lý Sơn. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý khai thác nguồn lợi cua dẹp dựa vào cộng đồng; xây dựng các cam kết về sử dụng và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường giữa các cơ quan, cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Phát huy vai trò quản lý dựa vào hệ sinh thái, quản lý dựa vào cộng đồng...
Bài, ảnh: Phương Dung