Từ rác thải và những vật liệu tái chế như ống nước (ống nhựa), vỏ chai bột giặt, vỏ chai nước suối, sắt vụn, vải vụn, túi nylon… ông Trần Nghiêm Tuấn (ngụ khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) đã sáng tạo nên những sản phẩm trang trí độc đáo, đẹp mắt, hữu dụng trong gia đình, góp phần lan toả tinh thần sống xanh trong cộng đồng.
Ông Trần Nghiêm Tuấn chế tác sản phẩm lọ hoa từ ống nước cũ.
Ý tưởng độc đáo
Chia sẻ cơ duyên đến với nghệ thuật tạo hình này, ông Tuấn cho biết đợt dịch vừa qua, các thành viên trong gia đình không thể ra ngoài, rác thải sinh hoạt được đem ra sau vườn để đốt. Trong quá trình đốt, ông thấy những ống nhựa bị biến dạng thành nhiều hình thù kỳ lạ, từ đó ông nảy ra ý tưởng tạo hình nghệ thuật từ vật liệu tái chế.
Dưới bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, những ống nhựa, vỏ chai dầu ăn, túi nylon, vỏ chai nước suối... được ông Tuấn biến hoá thành bình hoa, chậu kiểng, tiểu cảnh hòn non bộ, đèn trang trí độc đáo và ấn tượng.
Ông Tuấn cho hay, nguồn nguyên vật liệu được ông gom từ hàng xóm, bạn bè và nhặt ngoài đường. Đi đâu thấy ống nước cũ, chai nhựa, túi nylon… ông đều nhặt mang về, sau này có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn ông hỏi mua ở cơ sở phế liệu. Thời gian gần đây, nhiều người biết đến công việc ông Tuấn đang làm, khi có vật liệu phế thải họ mang đến tặng ông.
Các lọ hoa, chậu kiểng làm từ ống nước cũ.
Các chậu kiểng với hình dáng độc đáo, đẹp mắt được làm từ ống nước cũ.
Theo ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm, chai nhựa thường có độ nhẹ, mềm nên dễ móp méo, gặp nhiệt độ nóng rất dễ co lại, vì thế khi chế tác đòi hỏi người làm phải nhanh tay uốn cong vật liệu nhựa ở nhiệt độ thích hợp mới tạo ra sản phẩm ưng ý. Trong quá trình làm, ông luôn cẩn thận từng chi tiết nhỏ để không mất thời gian và tránh hư hỏng.
Mỗi sản phẩm được ông Tuấn làm theo cảm tính, không có hình mẫu cụ thể, làm đến đâu sửa đến đó, ý tưởng nảy sinh trong lúc ông chế tác. Thời gian để tạo ra một sản phẩm phụ thuộc vào mẫu mã, kích thước của vật liệu. Có những mẫu ông chỉ mất vài giờ để hoàn thành nhưng có những mẫu mất đến vài ngày mới xong.
Theo ông Tuấn, quan trọng nhất của việc tạo hình là phải tìm nguyên liệu phù hợp, quá trình này sẽ hơi mất thời gian bởi nguyên liệu không phải lúc nào cũng có sẵn. Vì không tham khảo trên mạng hay học hỏi từ cách làm của người khác nên những sản phẩm của ông Tuấn mang màu sắc và phong cách riêng biệt, lạ mắt, ấn tượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Tuấn đã cho ra đời gần 100 sản phẩm từ vật liệu tái chế. Ban đầu ông làm để thoả niềm đam mê sáng tạo, khi được nhiều người biết đến, ông làm theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi sản phẩm tuỳ theo kích cỡ và độ kỳ công mà có giá thành khác nhau, dao động từ 100 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Cô Phan Thị Thanh Bình (Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Ngôi Sao, khu phố 2, thị trấn Tân Biên) cho biết: “Một dịp tình cờ đến thăm nhà anh Tuấn, tôi thấy anh đang chế tác bình cắm hoa từ ống nước cũ đã qua sử dụng. Lúc đó anh tặng tôi sản phẩm này, về sau tôi tận dụng những ống nước cũ ở nhà mang đến tặng anh và đặt hàng anh làm thêm nhiều sản phẩm để trưng bày một góc ở sân trường.
Phụ huynh và các bé khi đến trường nhìn thấy những sản phẩm này đều thích thú. Từ bình cắm hoa do anh Tuấn làm, chúng tôi trồng nhiều loại cây như trầu bà, xương rồng, sống đời, hạt thanh long… giúp tạo khoảng xanh cho nhà trường”.
Lan toả ý thức bảo vệ môi trường
Lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày đang làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa sinh hoạt, trong đó chủ yếu là túi nylon và chai nhựa. Việt Nam hiện nằm trong số những quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên toàn cầu.
Do đó, việc tận dụng, chế tác ống nước, chai nhựa, túi nylon thành những vật dụng hữu ích trong đời sống, góp phần bảo vệ môi trường, tái sử dụng các nguyên liệu có sẵn, giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng.
Bằng sự sáng tạo độc đáo, ý tưởng riêng biệt, ông Trần Nghiêm Tuấn đã biến những vật liệu bị người ta vứt đi trở thành những vật dụng cực kỳ đẹp mắt và hữu dụng để trang trí một góc trong nhà, trường học, quán ăn, quán cà phê... Việc làm này của ông góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp không gian sống, tạo khoảng xanh, hạn chế rác thải nhựa. Đây là một hành động đáng được biểu dương và nhân rộng.
Tác phẩm “tổ chim treo tường”
Chị Ngô Thị Ngọc Bích (ngụ khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) rất thích những sản phẩm của ông Tuấn. Chị cho biết khi thấy lọ hoa, chậu kiểng với nhiều kiểu dáng độc đáo, chị nghĩ lọ hoa được làm bằng cây gỗ, hỏi ra mới biết làm từ những ống nước cũ, vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Chị đặt mua những sản phẩm này và trưng bày ở một góc nhà, những chậu kiểng từ vật liệu tái chế này không chỉ giúp chị trang trí nhà cửa mà còn tạo không gian xanh, thoáng mát hơn.
Hoàng Yến