Đến Sì Thâu Chải (Lai Châu), nghe Bí thư Chi bộ 27 tuổi kể chuyện làm du lịch cộng đồng

Cập nhật: 28/10/2022
Trong không khí thanh bình, yên ả với khí hậu trong lành của chiều Thu, bên ngôi nhà gỗ đặc trưng ở bản Sì Thâu Chải (Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu), tôi lắng nghe Bí thư trẻ tuổi nhất huyện Lù Văn Páo kể chuyện cùng người dân làm du lịch cộng đồng.

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải - bản homestay nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Một chiều nắng Thu vàng như rót mật, tôi đến Sì Thâu Chải (Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu) - bản homestay “hút” khách nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Đường lên Sì Thâu Chải được trải bê tông bằng phẳng, nhiều khúc cua tay áo khúc lên, khúc xuống với những vạt rừng như thảo nguyên xanh ngát, rặng rong giềng ven đường đang khoe sắc, những thửa ruộng lúa bậc thang đang thì con gái đắm chìm dưới nắng Thu như xoá tan sự vất vả của quãng đường dài hơn 1 đồng hồ di chuyển.

Gõ cửa từng nhà, vận động bà con phát triển du lịch cộng đồng

Sì Thâu Chải hiện ra trước mắt chúng tôi, đẹp và yên bình. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống. Khắp dọc đường đi là những bức tường được xếp bằng đá xen lẫn những cây xanh, cổ thụ đứng hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, những lối đi trải đầy hoa nhiều màu sắc.

Tôi gặp Lù A Páo (sinh năm 1995), Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải – Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất huyện Tam Đường, sắp xếp chỗ ở cho đoàn khách từ Hà Nội đang trên đường đến.

Lù A Páo mặc dù mới có 5 năm tuổi Đảng nhưng đã có hơn 1 năm giữ chức Bí thư chi bộ và là một người say mê làm du lịch cộng đồng, mong muốn bản Sì Thâu Chải ngày càng phát triển theo hướng này. Hiện Páo đang là chủ một mô hình homestay trong bản.

Lù A Páo, Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải, sắp xếp chỗ ở cho đoàn khách từ Hà Nội đang trên đường đến. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chiều Thu nghiêng nắng bên hiên nhà, Páo say sưa kể về hành trình cùng bà con trong bản đến với mô hình du lịch cộng đồng.

Năm 2016, cả bản Sì Thâu Chải chính thức đón những vị khách đầu tiên đến du lịch. Nhớ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng bản du lịch cộng đồng, Chi bộ và chính quyền địa phương “gõ cửa” từng nhà vận động bà con tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

“Mới đầu, bà con trong bản còn ngờ vực, không nghĩ rằng các sản phẩm nông nghiệp của mình có thể trở thành sản phẩm du lịch. Thậm chí, bà con càng không nghĩ rằng, nhà của mình có thể trở thành nơi ăn ở của những người xa lạ”, Páo chia sẻ.

Thế nhưng, sau khi hiểu về lợi ích của việc làm du lịch và được hướng dẫn cách làm, bà con dần dần nghe theo và bắt tay vào làm. Để thu hút du khách, bà con xây dựng, tạo cảnh quan xung quanh như trồng hoa, xếp tường đá, cổng nhà, biển chỉ dẫn bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, nứa…

“Chúng tôi chưa từng biết đến việc làm du lịch, lúc bắt đầu phải học nhiều thứ, từ giao tiếp, giữ gìn vệ sinh, làm đẹp cho thôn bản, gia súc, gia cầm được nuôi tập trung, không còn thả rông. Chúng tôi được hỗ trợ tiền, hỗ trợ làm đường, kéo điện lưới quốc gia”, Páo cho biết.

Theo chính quyền từ tỉnh xuống xã, mỗi hộ dân được hỗ trợ 15 triệu để lát nền nhà, những hộ làm homestay được hỗ trợ 50 triệu mua trang thiết bị phục vụ du khách.

Đến nay, toàn bản đã có 10 hộ làm homestay, dự kiến, đến cuối năm có thể sẽ lên đến 15 hộ, có khả năng đón tiếp trên 300 khách lưu trú mỗi ngày, trong đó hộ Lù A San có thể đón lượng khách lớn nhất, khoảng 50-60 khách lưu trú/đêm.

Từ năm 2016 đến nay, bản đã đón nhiều lượt khách đến tham quan và lưu trú. Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách giảm, thậm chí có giai đoạn còn không có du khách nào đến tham quan. Từ đầu năm 2022 đến nay, bản đã đón nhiều du khách, trong đó có cả những du khách nước ngoài đến du lịch, lưu trú và trải nghiệm tại Sì Thâu Chải.

Vẻ bình yên của Sì Thâu Chải trong nắng Thu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vươn mình đổi mới trở thành “hình mẫu”

Đến nay, sau 7 năm phát triển du lịch cộng đồng, Sì Thâu Chải – bản người Dao ở nơi xa xôi của Lai Châu đang vươn mình đổi mới với hy vọng trở thành hình mẫu cho nhiều bản làng khác tiến tới mô hình du lịch homestay trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồ Thầu, chị Tẩn Thị Nhẫn cho biết, trước khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của bà con trong bản còn gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở, Đảng ủy, Chính quyền, đoàn thể và bà con đã tìm ra hướng đi mới, biến bất lợi trở thành lợi thế, tập trung phát triển kinh tế thông qua du lịch.

Chị Tẩn Thị Nhẫn cho biết, nhờ thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và cảnh quan, vị trí giao thoa với những điểm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm nổi tiếng như điểm dù lượn Tam Đường, Nhà kính Rồng Mây... Chính quyền đã vận động người dân trong bản sửa sang, cải tạo nhà cửa để đón khách du lịch.

“Ban đầu, chúng tôi đón những nhóm du lịch nhỏ đến trải nghiệm leo núi, nhờ cảnh quan khí hậu hấp dẫn, 'tiếng lành đồn xa', chúng tôi dần đón được nhiều hơn các du khách đến tham quan, trải nghiệm và sinh sống cùng bà con”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Hồ Thầu cho hay.

Trong quá trình xây dựng và phát triển bản du lịch, các hộ gia đình được chính quyền xã hướng dẫn, hỗ trợ, người dân trong bản đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Người dân được hướng dẫn trồng loại cây đặc trưng của vùng Tây Bắc như đào, lê, mận… Những rừng cây ấy vừa để tạo cảnh quan vừa thu hoạch, được trồng bạt ngàn xung quanh bản đã vừa để phục vụ khách du lịch tham quan, ngắm cảnh chụp ảnh, vừa để mua sắm sản vật địa phương, tạo sinh kế cho người dân.

Bên ngoài cổng vào Sì Thâu Chải, người dân xây dựng một sơ đồ du lịch của bản. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong bản, người dân cùng nhau tạo đầu ra cho các sản phẩm địa phương. Các gia đình làm homestay sẽ mua thực phẩm, đồ lưu niệm từ gia đình khác để bán cho du khách. Qua đó, vừa giúp các hộ dân trong bản có thu nhập, vừa giúp du khách được thưởng thức đặc sản địa phương do chính người dân làm ra.

Chị Tẩn Thị Nhẫn chia sẻ, du khách đến Sì Thâu Chải vừa được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con, được ngắm nhìn và hòa mình vào các điệu múa, cùng nhau ca hát, đốt lửa trại tạo tình đoàn kết, gắn bó, thân thiện.

Đến nay, những nét đặc trưng cùng mô hình phát triển du lịch cộng đồng như trên đã và đang góp phần nâng cao đời sống, diện mạo của người dân vùng cao nơi đây.

Người dân được hướng dẫn sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng cảnh quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hiện Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng hướng đến phát triển bền vững. Đảng ủy, Chính quyền tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch.

Thông qua đó, góp phần xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Lai Châu.

Minh Nhật

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam - baoquocte.vn - Đăng ngày 28/10/2022