PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh - giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Cần Thơ cho rằng với lợi thế vùng đất nông nghiệp trù phú, giới kinh doanh du lịch ĐBSCL cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL để làm phong phú cho du lịch Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, cụm từ “Du lịch nông nghiệp” được đề cập trên báo chí và hội thảo. Mới nhất vào tháng 5.2022, tại Lễ hội Sen tỉnh Đồng Tháp, cụm từ này được nhắc đến nhiều qua hội thảo du lịch do tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Theo PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp và các yếu tố liên quan để tạo thành các sản phẩm du lịch. Từ tư liệu sản xuất, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán và kỹ thuật canh tác đến sản phẩm nông nghiệp và những yếu tố tự nhiên gắn với hệ sinh thái nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước…
Du lịch rừng tràm Trà Sư - Ảnh: Văn Kim Khanh
Theo khái niệm này, ở ĐBSCL mô hình du lịch nông nghiệp rất nhiều. Nhiều nông dân vùng này đã vận dụng ruộng, vườn của mình xây dựng cảnh quan, khai thác vườn cây đặc sản để thu hút du khách. Những món ăn, thức uống để phục vụ khách du lịch cũng là sản phẩm từ ruộng vườn như: Gia súc, gia cầm, cá tôm chế biến, trái cây từ vườn đặc sản. Trước đây, người ta gọi là “Du lịch miệt vườn” nhưng khoảng 3 năm nay, cụm từ du lịch nông nghiệp được dùng để chỉ loại hình du lịch khai thác từ nông nghiệp là du lịch nông nghiệp.
PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh cho rằng du lịch nông nghiệp là một thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp. Mục đích giúp du khách nhận thức, khơi dậy sở thích, giáo dục hoặc nghỉ dưỡng. Du lịch nông nghiệp là hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp và của cộng đồng nhằm giới thiệu với du khách về quá trình sản xuất và các di sản nông nghiệp của vùng nông thôn.
Như vậy sản phẩm du lịch nông nghiệp bao gồm 4 loại cơ bản là: (1) Sự hấp dẫn du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp như: đồng ruộng, nhà xưởng, nông cụ, quy trình sản xuất. (2) Các sự kiện đặc biệt liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn như: triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo. (3) Các hoạt động giải trí trên địa bàn như: đi bộ đường dài, đi xe đạp, cưỡi động vật, dã ngoại, khám phá cảnh quan nông thôn, tận hưởng không gian xanh mát, không khí trong lành hoặc trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như gieo cấy, chăm sóc cây trồng và gia súc, thu hoạch nông sản. (4) Các dịch vụ liên quan như: phòng nghỉ, ăn uống, cắm trại, bán lẻ hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ.
Du khách bơi xuồng ở Làng du lịch Ông Đề - Ảnh: Văn Kim Khanh
Ở Đồng Tháp, nơi có hàng chục khu du lịch lớn nhỏ là khu du lịch nông nghiệp. Tiêu biểu cho du lịch nông nghiệp của tỉnh này là khu du lịch Gáo Giồng, huyện Tháp Mười. Ở Vĩnh Long hiện nay có cả trăm điểm du lịch nông nghiệp. Tiêu biểu cho du lịch nông nghiệp, xuất hiện sớm vào cuối những năm 1990 là “vườn du lịch Ông Sáu Giáo” ở huyện Long Hồ. Ở Cần Thơ hiện nay tiêu biểu cho du lịch nông nghiệp đó là HTX du lịch Cồn Sơn. Làng du lịch Ông Đề ở Phong Điền...
Tại làng du lịch Ông Đề cảnh sắc tiêu biểu cho miệt vườn đồng bằng. Tại đây có bánh dân gian Nam Bộ, có những món ăn chế biến từ nông nghiệp, có rạch để du khách bơi xuồng, có ao để du khách tát cá, bắt cá...
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá, tôm xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, ĐBSCL được ca ngợi là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm - cá” của Việt Nam. Dựa vào tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Du lịch và nông nghiệp là hai lĩnh vực kinh tế đang ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người trên toàn cầu. Sự giao hòa, cộng hưởng giữa du lịch và nông nghiệp đem lại nhiều giá trị thặng dư trên các mặt kinh tế - xã hội. Đồng thời, sự kết tinh mối quan hệ giữa hai ngành này đã tạo ra một loại hình du lịch mới: Du lịch nông nghiệp (Agritourism). Loại hình du lịch đang trở thành xu thế phát triển du lịch mạnh mẽ trên thế giới, có sức thu hút du lịch rất cao.
Món ngon từ du lịch nông nghiệp - Ảnh: Văn Kim Khanh
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã thúc đẩy du khách tìm về những khung cảnh hoang sơ với những vẻ đẹp bình dị, không khí trong lành và những giá trị văn hóa truyền thống, nơi mà làn sóng văn minh đô thị chưa tác động tới.
Phát triển du lịch nông nghiệp tạo ra tác động kép, thúc đẩy sự phát triển cả du lịch và cả nông nghiệp. Một mặt, du lịch nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách, bảo đảm cho du lịch phát triển. Mặt khác, du lịch nông nghiệp lại góp phần quảng bá và tiêu thụ nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.
PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh phân tích, trên thực tế sự phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhỏ lẻ, tự phát. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn nghèo nàn, đơn điệu, kiểu “cây nhà lá vườn”. Chất lượng của du lịch nông nghiệp chưa cao; chưa hình thành sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách cho du lịch nông nghiệp. Người nông dân chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch một cách bài bản…
Một khu du lịch trên cánh đồng sen ở Đồng Tháp - Ảnh: Internet
Thực trạng trên cho thấy vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để phát huy các tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo ra “hiệu ứng kép” cho cả du lịch và nông nghiệp cùng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Xem thế, du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL rất tiềm năng nhưng còn non trẻ, còn nhiều việc phải làm để khai thác, phát triển tiềm năng làm phong phú cho du lịch Việt Nam.
Văn Kim Khanh