Khai thác tiềm năng và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, các chủ thể trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh có 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch đó là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, Điểm du lịch A Biu, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum và Du lịch trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy).
Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế và cuộc sống dần đi vào ổn định, các sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch đón khách du lịch trở lại, các chủ thể cũng tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch của mình.
Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu. Ảnh: Đ.T
Anh A Kâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch làng Kon K’tu cho biết, từ quý II/năm 2022, số lượng khách du lịch và người dân địa phương đến tham quan, nghỉ ngơi tăng dần, nhất là vào những ngày cuối tuần và dịp lễ. Một số hoạt động như dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát, múa xoang, cồng chiêng, ẩm thực dân tộc luôn được các thành viên người dân tộc Ba Na trong Tổ hợp tác duy trì nên đảm bảo nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức cho khách du lịch và người dân.
“Hiện nay, tôi đang triển khai sửa chữa, nâng cấp lại homestay của gia đình để thu hút khách du lịch đến lưu trú”- anh A Kâm chia sẻ.
Tại Điểm du lịch A Biu, nghệ nhân ưu tú A Biu (chủ cơ sở) cho hay, từ đầu năm đến nay, số lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và ở nước ngoài, nhà nghiên cứu, thực tập sinh ngành văn hóa và người dân trong tỉnh đến nhà ông lưu trú, tham quan và trải nghiệm múa xoang, cồng chiêng, nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống, nấu rượu ghè và thưởng thức ẩm thực người dân tộc Ba Na rất nhiều.
Để đáp ứng nhu cầu tham quan và trải nghiệm các dịch vụ của du khách và người dân địa phương, A Biu đã đầu tư dựng 3 nhà ăn nhỏ cho khách gia đình và 2 nhà ăn tập thể cho khách du lịch theo đoàn bằng vật liệu gỗ, cỏ tranh và tre, nứa trong khuôn viên sân nhà. Ông cũng dựng các nhà chòi, cải tạo lại vườn, ao nuôi cá, cách nhà ở khoảng 1km để cung cấp thêm dịch vụ, trải nghiệm cho khách du lịch.
Đến nay, số lượng lao động làm việc tại Điểm du lịch A Biu là hơn 30 người, trong đó có hơn 10 người là lao động thường xuyên, người thân trong gia đình, số còn lại các thành viên trong đội múa xoang, cồng chiêng của làng Plei Klếch, nơi gia đình nghệ nhân ưu tú A Biu sinh sống. Mỗi lần có đoàn khách du lịch đến, những lao động làm việc tại Điểm du lịch A Biu có thu nhập từ 100.000-200.000 đồng, tùy theo công việc của mỗi người.
“Tôi đang tìm hiểu mở thêm dịch vụ đi thuyền dọc sông Đăk Bla để khách du lịch trải nghiệm và tham quan các làng làng dân tộc thiểu số ven dòng sông”- nghệ nhân A Biu cho hay.
Dân làng Kon Vi Vàng biểu diễn cồng chiêng, xoang. Ảnh: ĐT
Tại làng Kon Vi Vàng (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy), bà Ngô Thị Ly (chủ thể của sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 sao là Chuối sấy giòn thương hiệu Bà Già Đeo) đang phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn triển khai xây dựng hợp tác xã du lịch, hướng tới trở thành sản phẩm OCOP nhóm du lịch trong năm 2023.
Làng Kon Vi Vàng nằm bên sông Đăk Kôi là nơi quần tụ người dân tộc Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) từ bao đời nay. Đồng bào nơi đây còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc như nghề dệt, làm nhạc cụ dân tộc, các lễ hội, nhà rông văn hóa, cồng chiêng, vì thế, làng có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi đã tổ chức đưa người dân làng Kon Vi Vàng đi tham quan, học hỏi làm du lịch cộng đồng tại làng cổ Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để học hỏi, làm theo. Trong tương lai, nếu thành công như làng cổ Gò Cỏ, làng Kon Vi Vàng sẽ là làng đầu tiên trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 sao về dịch vụ du lịch cộng đồng với chủ thể là tất cả các hộ dân trong làng”- bà Ly nói.
Cũng theo bà Ly, qua nhiều lần tổ chức họp làng Kon Vi Vàng về hướng phát triển du lịch cộng đồng, hầu hết người dân trong làng đều đồng thuận và mong muốn tham gia là thành viên của hợp tác xã. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển làng thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, tham gia Chương trình OCOP năm 2022, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đăng ký 189 ý tưởng, sản phẩm với 102 chủ thể; trong đó, 2 sản phẩm của 2 chủ thể thuộc nhóm du lịch.
Có thể thấy, việc các chủ thể chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm các trải nghiệm, dịch vụ du lịch cũng như liên kết với cộng đồng người dân tộc bản địa làm du lịch đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh, góp phần quảng bá du lịch cho địa phương, thu hút khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân và cải thiện cảnh quan môi trường, làm diện mạo các thôn, làng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Đức Thành