Dù ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp Mỹ Sơn như ngoài thực tế thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse.
Vừa qua, Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã tiếp nhận hệ thống Mỹ Sơn Metaverse từ Công ty CP Giải pháp Chuyển đổi số (VR360). Hai bên cũng đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm mục đích cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thực hiện công tác quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Ngắm Mỹ Sơn từ bất cứ nơi đâu
Hệ thống Mỹ Sơn Metaverse được xây dựng dựa trên 3 nền tảng công nghệ. Đầu tiên là không gian trải nghiệm bằng VR360, đây là nền tảng công nghệ với các dữ liệu thu thập từ thiết bị bay flycam và các thiết bị chụp chuyên dụng nhằm xây dựng góc nhìn 360 độ thực tế (chụp hình ảnh thực tế) đưa vào kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để các MC thuyết minh theo từng địa điểm (bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt), giúp du khách tham quan, trải nghiệm như ngoài thực tế. Không gian thứ hai là Metaverse spy được lập trình bằng hình vẽ không gian 3D dựa trên tỉ lệ thực của Mỹ Sơn, giúp người dùng có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp bằng nhân vật avatar thay thế đại diện. Thứ ba là Map 3D được xây dựng với tỉ lệ, vị trí thực tế của Mỹ Sơn để khách dễ dàng sử dụng.
Chỉ cần sử dụng smartphone hoặc máy tính có kết nối internet, du khách có thể tham quan Mỹ Sơn từ bất cứ nơi đâu thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse. (Ảnh chụp màn hình)
Với hệ thống Mỹ Sơn Metaverse, chỉ cần một chiếc smartphone hoặc máy tính có kết nối internet là mọi người có thể trải nghiệm gần như toàn bộ không gian của di sản Mỹ Sơn từ bất kỳ nơi đâu. Khi thực hiện quét mã QR hoặc truy cập vào trang web http://vr360.com.vn/my-son-metaverse, giao diện video khu di sản thế giới Mỹ Sơn sẽ hiển thị. Người dùng có thể chọn tiếng Việt hoặc tiếng Anh để trải nghiệm. Sau khi click vào nút "bắt đầu tham quan", một nữ hướng dẫn viên xinh đẹp trong trang phục Chăm Pa truyền thống sẽ xuất hiện ở góc màn hình, bắt đầu giới thiệu các thông tin tổng quan về lịch sử hình thành, không gian khu đền tháp Mỹ Sơn, những giá trị văn hóa - lịch sử, quá trình trùng tu, phát huy giá trị di sản...
Trong tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng, du khách có thể "đi" tham quan toàn bộ khu di sản Mỹ Sơn bắt đầu từ cổng chào cho đến từng ngóc ngách của các nhóm tháp. Cụ thể, trên giao diện không gian trải nghiệm bằng VR360, 3 chuyên mục lớn được hiển thị gồm "Thánh địa Mỹ Sơn", "Khu tháp Mỹ Sơn" và "Bảo tàng Mỹ Sơn".
Tương tự, khi di chuyển đến chuyên mục "Thánh địa Mỹ Sơn", du khách sẽ được đưa đến tham quan khu cổng chào, khu hành chính, trạm trung chuyển, nhà biểu diễn nghệ thuật, nhà hàng Mỹ Sơn, quầy hàng lưu niệm.
Tăng trải nghiệm cho du khách
Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết hệ thống Mỹ Sơn Metaverse giúp lưu giữ, truyền tải tất cả dữ liệu liên quan công tác bảo tồn, phát huy di sản Mỹ Sơn vào một hệ thống công nghệ ảo để mọi người có thể truy cập vào tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. "Nền tảng này trước mắt sẽ giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh Mỹ Sơn cho tất cả du khách trong và ngoài nước. Về lâu dài, khi lượng khách có nhu cầu cao thì đơn vị sẽ tính tới việc thu phí tham quan qua sản phẩm này. Cái quan trọng hơn là chúng ta phải theo kịp quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch" - ông Phan Hộ cho hay.
Ảnh: BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn
Bà Văn Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nhìn nhận giải pháp chuyển đổi số VR360 giúp tăng thêm trải nghiệm cho du khách, để du khách có thông tin trước khi tham quan Mỹ Sơn. Bà Tú đánh giá ứng dụng này sẽ kích thích sự tò mò, từ đó có thể lôi kéo du khách đến tham quan Mỹ Sơn nhiều hơn. "Vừa qua, BQL đã đặt bảng quét mã QR tại quầy bán vé để du khách có thể trải nghiệm trước khi vào tham quan Mỹ Sơn. Qua theo dõi, du khách cảm thấy rất thích thú khi vừa có thể trải nghiệm Mỹ Sơn qua nền tảng thế giới ảo và trực tiếp tham quan" - bà Tú chia sẻ.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước Ảnh: BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn
Ông Phan Hộ cho biết thêm thời gian qua, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã triển khai nhiều dự án đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, như số hóa hiện vật tại di tích và bảo tàng, đề án thuyết minh đa ngôn ngữ, sử dụng vé hóa đơn điện tử, dịch vụ Internet Banking, quét mã QR… "Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn đã thay đổi quá trình quản lý và giá trị di sản được phát huy tích cực" - ông Phan Hộ nhấn mạnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết công tác chuyển đổi số được tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Duy Xuyên rất quan tâm. Hiện nay, Duy Xuyên đang từng bước thực hiện chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực, trong đó ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch rất được coi trọng. Ông Đức nhìn nhận việc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn triển khai hệ thống Mỹ Sơn Metaverse giúp di sản văn hóa thế giới này có thêm sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn đến du khách gần xa.
Trần Thường