Những ngày đầu tháng 11-2022 này, có dịp ghé đến Thánh địa Cát Tiên, chúng ta sẽ được nghe tiếng vượn đen má vàng hót vang cả một khu vực vào mỗi sáng.
Ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), ngoài quần thể di sản niên đại hàng ngàn năm chưa được giải mã đầy đủ, các loài động thực vật cũng rất đa dạng. Trong đó, vượn đen má vàng là loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Kỳ thú nghe vượn đen má vàng hót vang tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Vượn đen má vàng có tiếng hú lảnh lót, líu lo như chim hót. Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11-2022 này, có dịp ghé đến Thánh địa Cát Tiên, chúng ta sẽ được nghe tiếng vượn đen má vàng hót vang cả một khu vực vào mỗi sáng. Theo người dân địa phương, đây là tiếng hót tuyên bố lãnh địa của chúng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, Trưởng Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên, cho biết ông đã gắn bó với nơi này đã lâu, từ những năm 2000. Khi cùng các nhà khoa học tham gia nghiên cứu tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên, ông thường nghe vượn hót.
"Khoảng 4 - 5 cá thể vượn đen má vàng đang sinh sống tại dãy núi sau di tích khảo cổ. Việc bảo vệ được các ngành chức năng và địa phương triển khai hết sức nghiêm ngặt nhằm bảo tồn loài vượn đen má vàng quý hiếm này" - ông Tiến nhấn mạnh.
Đình Thi