Phú Yên: Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển du lịch

Cập nhật: 04/11/2022
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh, liên kết với các địa phương, hình thành nhiều tour, tuyến mới, qua đó góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực.

Với bờ biển dài gần 190km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành... mang đến vẻ hoang sơ cho những điểm đến hấp dẫn khách du lịch trên địa bàn tỉnh như: Đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài. Bên cạnh đó, địa phương này còn sở hữu 21 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và 45 di tích được xếp hạng cấp tỉnh như: Di sản văn hóa đá với các di tích danh thắng Quốc gia Núi Đá Bia, gành Đá Đĩa, Chùa Đá Trắng…tiêu biểu trong số di sản văn hóa đá ở Phú Yên là bộ Kèn đá và Đàn đá có niên đại cách ngày nay trên 2.500 năm. 

Nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên là sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau của 31 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những sắc thái văn hóa dân gian phong phú. Phú Yên còn có nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, nổi bật như Lễ hội Cầu ngư, bên cạnh đó là các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc. Đặc biệt nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Bài chòi và Lễ hội Cầu ngư là 03 loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gành Đá Đĩa trở thành một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.

Ngoài ra, thời gian qua tỉnh Phú Yên đang tập trung phát huy điều kiện tự nhiên trong phát triển công viên địa chất. Theo đánh giá của các chuyên gia công viên địa chất toàn cầu là chất xúc tác để phát triển du lịch bền vững. Khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Phú Yên sẽ định vị được thương hiệu uy tín tầm cỡ quốc tế để bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, giúp cộng đồng dân cư gắn kết hơn, tạo được công ăn việc làm cho người dân.  tỉnh phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng chuyển đổi số đáp ứng lượng khách gia tăng khi Phú Yên được phê duyệt là Công viên địa chất toàn cầu.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định: Phát triển du lịch vùng theo hướng liên kết giữa vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng khác trong cả nước và liên kết quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng. Do đó, với vị trí gần như nằm giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ, được ví như tâm điểm trục Bắc - Nam và là cửa ngõ Đông - Tây kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, những năm gần đây Phú Yên đã mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. 

Phát huy những nét tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán, tài nguyên, khí hậu, sản phẩm du lịch và vị trí địa lý thuận lợi, thời gian qua tỉnh Phú Yên đẩy mạnh hợp tác với hai tỉnh Bình Định và Khánh Hòa nhằm phát triển các sản phẩm thu hút khách du lịch quốc tế tại khu vực Nam Trung Bộ. 

Theo các chuyên gia, Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa có vị trí nằm trên dải đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trên tuyến du lịch xuyên Việt, có tài nguyên du lịch toàn diện. Ba địa phương này có vị trí chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Các địa phương đều có trung tâm đô thị là những thành phố biển với bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp, thắng cảnh kỳ thú; hệ thống đường sắt thuận lợi phục vụ du lịch xuyên suốt Bắc - Nam.

Tăng cường liên kết giữa các địa phương này được thể hiện qua Hội thảo “Tour một hành trình ba điểm đến Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà...” được tổ chức tại tỉnh Bình Định (8/2022), nhằm đẩy mạnh hợp tác, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, hình thành các sản phẩm du lịch mới, xây dựng chương trình hấp dẫn để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, đặc biệt là tập trung phục vụ thị trường khách du lịch Đông Bắc Á (Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản), tiếp tục chuẩn bị điều kiện để bước vào giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, thời gian qua Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk giai đoạn 2016-2021 và tiếp tục ký kết chương trình Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Quảng Ngãi - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum. Trong đó, đẩy mạnh liên kết tổ chức nhiều  hoạt động, sự kiện du lịch trong nước đạt hiệu quả như: Xây dựng “Ngôi nhà Tây Nguyên - Nam Trung Bộ”...

Phát huy những nét tương đồng trong văn hóa, sản phẩm du lịch là điều kiện thuận lợi để Phú Yên đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch (Ảnh minh họa) 

Các chuyên gia du lịch đánh giá, Phú Yên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng lại phát triển chậm hơn so với hai tỉnh giáp ranh là Bình Định và Khánh Hòa, vì vậy, Phú Yên cần tăng tốc hơn nữa để tương xứng với tiềm năng đang có. Để đẩy mạnh liên kết với thị trường du lịch TP.HCM, Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: ngành du lịch hai địa phương cần kết nối với nhau nhiều hơn để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, tăng chất lượng dịch vụ hơn và tiếp tục tạo điều kiện giới thiệu nguồn nhân lực cho Phú Yên, hỗ trợ công tác giới thiệu quảng bá du lịch Phú Yên tại TP.HCM. 

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Phú Yên 10 tháng của năm 2022 tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt trên 1,8 triệu, bằng 91% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2022 là 2.000.000 lượt khách), tăng 444,7% (gấp 5,4 lần) so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 5.900 lượt, tăng 263% (gấp 3,6 lần) so cùng kỳ. Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh liên kết và triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.  Trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng trưởng trên 14% năm, trong đó khách quốc tế tăng 15- 20% năm, doanh thu du lịch tăng trên 14% năm. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên, doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng.

Đồng thời, địa phương sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm như vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô, cao nguyên Vân Hòa; quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng tại các khu di tích, danh thắng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững, chất lượng.

Thu Trang

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 03/11/2022